Đỡ hổ “vượt cạn”

(ANTĐ) - Dễ đến hơn bốn chục năm trời, tôi mới gặp lại Ất, người anh nuôi trưởng của đại đội pháo cao xạ chúng tôi hồi còn chiến đấu ở Thượng Lào. Da mặt đỏ hồng, tóc trắng như bông xõa ngang vai, chòm râu bạc như cước dài đến ngực. Anh mặc bộ đồ lụa tơ tằm mỡ gà. Ất khoe anh mới đáp máy bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra để sớm nay kịp gặp gỡ anh em cựu binh của trung đoàn. Các con anh làm ăn khá giả nên  anh nhàn, chỉ hiềm một nỗi giữa đường đứt gánh, bà lão đi hơn ba năm nay rồi. Tục huyền cũng dở. Ở vậy cũng cực. Chưa biết tính sao?

Đỡ hổ “vượt cạn”

(ANTĐ) - Dễ đến hơn bốn chục năm trời, tôi mới gặp lại Ất, người anh nuôi trưởng của đại đội pháo cao xạ chúng tôi hồi còn chiến đấu ở Thượng Lào. Da mặt đỏ hồng, tóc trắng như bông xõa ngang vai, chòm râu bạc như cước dài đến ngực. Anh mặc bộ đồ lụa tơ tằm mỡ gà. Ất khoe anh mới đáp máy bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra để sớm nay kịp gặp gỡ anh em cựu binh của trung đoàn. Các con anh làm ăn khá giả nên  anh nhàn, chỉ hiềm một nỗi giữa đường đứt gánh, bà lão đi hơn ba năm nay rồi. Tục huyền cũng dở. Ở vậy cũng cực. Chưa biết tính sao?

Khỏi nói những câu chuyện buồn vui, nghẹn ngào, ai còn ai mất, ai bệnh nặng, ai vất vả hơn bốn chục năm qua. Ất bảo:

- Tưởng ông không nhận ra tôi!

- Dẫu mái tóc, chòm râu, nước da có khác. Còn cặp mắt tinh khôn như khỉ, cái miệng tươi như hoa chúm chím nở kia quên thế nào được. Nhưng nhớ nhất vẫn là chuyện ông đỡ đẻ cho hổ.

Ất sung sướng cười tưởng rách mép.

Đỡ hổ vượt cạn, nghe có vẻ huyền thoại và hoang đường quá nhỉ. Cái đêm Ất thoát chết trở về, mặt mày tái nhợt, anh lắp bắp:

- Đêm qua hổ chồng đón tao đi đỡ đẻ cho hổ vợ.

Chúng tôi ai nấy đều bĩu môi.

Anh Ất bảo:

- Các cậu không tin à? Bàn tay tao còn đầy máu hổ, chưa kịp rửa đây này.

Anh giơ đôi bàn tay còn dính đầy máu khô và lông hổ ra. Tuy vậy, chúng tôi vẫn bán tín bán nghi.

Mấy cậu gác ca áp chót từ 2 giờ đến 4 giờ cam kết, lúc gần 4 giờ, chúng tôi sắp đổi ca, dưới ánh trăng suông sáng như ban ngày ấy, thấy một ông hổ phi như bay, trên lưng hình như cõng một vật gì đến chỗ nhà nuôi quân thì ông hổ lại quay ra, chạy nước đại, roàn roạt, roàn roạt. Nước chạy có vẻ nhẹ, vì trên lưng không còn thấy cõng vật gì. Chúng tôi sợ quá. Ngồi nép mình dưới hào giao thông, ngón tay trỏ để sẵn vào vòng cò.

Anh Ất xì một tiếng rõ dài:

- Con hổ chồng cõng tao về đấy. Các cậu thấy tao cưỡi hổ có oai không?

Bọn tôi nhao lên:

- Thật à! Thật à?

Quãng chừng năm sáu ba, sáu tư của thế kỉ trước, tôi mới hai mươi tuổi, sang chiến đấu ở Thượng Lào. Rừng Lào khi ấy còn nguyên sinh, chưa bị bom Mỹ và con người tàn phá. Cách trận địa chúng tôi chừng 4-5 ki lô mét đường chim bay, có rừng cỏ tranh tốt bạt ngàn. Chúng tôi luôn được nhắc nhở, rừng cỏ tranh có rất nhiều hổ, cấm không ai được mất cảnh giác.

Anh Ất bảo, anh đã ngủ được một giấc đẫy. Lúc tỉnh dậy Ất đi tè thì nghe ngoài cửa lều có tiếng sột soạt như có người gọi. Anh chồm dậy. Cha mẹ ơi, anh vừa thò người qua khe cửa thì thấy đánh nhoằng một cái. Anh đã trên lưng một con vật gì đó, anh không biết. Con vật cõng anh chạy rất nhanh. Anh sợ tới mức mất hết cảm giác, chỉ phản ứng theo bản năng, mắt nhắm lại, tay tóm chặt lông và da gáy nó. Chỉ đến khi con vật vứt anh xuống thì anh mới biết mình phải làm gì.

May quá trời sáng trăng suông. Anh nhìn rõ mồn một hai vị chúa sơn lâm. Con vừa cõng anh là con hổ chồng. Còn con hổ vợ đang quằn quại vượt cạn. Anh tự khoe sao lúc ấy, đứng trước cái chết anh thông minh thế cơ chứ. Anh thừa biết mình phải làm gì nếu muốn sống trở về. Hóa ra con hổ vợ vượt cạn phần sống thì ít phần chết thì nhiều. Con hổ chồng chạy đi cầu cứu con người. Ai dám bảo giống ác thú vô tri.

Ất không phải là y tá. Anh chỉ có hai bàn tay. Làm sao có thể giúp hổ vượt cạn đây? Mà không giúp được nó mình sẽ chết. Nhìn qua, anh cũng biết con hổ vợ khó đẻ. Khó đẻ do con nó to, cửa mình nó hẹp. Như mấy bà đỡ ở trạm xá làng anh, họ chỉ lấy dao mổ trích rộng phần cuối cửa mình ra mấy phân. Sản phụ sinh nở xong họ khâu lại bôi sát trùng, tiêm kháng sinh. Thế là xong. Còn ở đây? Anh chẳng có dao. Có cũng không thể trích cửa mình nó ra được. Làm gì có thuốc kháng sinh. Lưỡi hổ, miệng hổ lại rất bẩn.

Đến vết thương ở mình, ở chân nó càng liếm càng bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng, đau đớn cho đến khi con hổ tử nạn. Đấy là chưa kể lũ côn trùng ruồi vàng, bọ chó đẻ vào. Ở trường hợp cụ thể này hổ mẹ chết thì hổ con cũng chết. Gia đình nhà hổ sẽ tan nát. Con hổ chồng sẽ thù anh. Thật là nan giải!? Anh đánh bài liều. Cứu hổ vượt cạn tức là cứu mình. Sau phút giây đắn đo, anh thọc cả 8 đầu ngón tay vào hai bên thành cửa mình nó. Anh dồn sức banh thật to ra. Anh bảo hổ mẹ:

- Cố lên nào! Cố lên nào!

Không ngờ cái đầu chú hổ con tòi ngay ra. Cầm hai chân trước và cái đầu tròn vo của chú anh nhẹ nhàng kéo ra. Anh đỡ trót lọt cả ba con hổ con. Con hổ mẹ đã kiệt sức nằm kềnh ra, bất động. Ba con hổ nhỏ vẫn lằng nhằng dính vào nhau. Anh cúi xuống lấy răng cắn đứt dây nhau rồi thắt nút lại. Được con nào anh đem đặt nầm vú mẹ nó, để nó dũi dũi tìm lấy vú mẹ. Con nào quá yếu không tìm nổi, anh mới ấn vú hổ mẹ vào miệng nó.

Anh Ất thở phào bảo hổ chồng:

- Nhờ trời, vợ ông đã được mẹ tròn con vuông. Cái việc ông nhờ tôi xong rồi nhé. Xin ông đừng ăn thịt tôi.

Anh Ất vừa dứt lời đã lại thấy đánh nhoằng một cái, hổ chồng đưa anh lên lưng. Anh xoay người ngồi cho thật chắc chắn, đàng hoàng. Bây giờ, anh biết chắc là mình sống. Anh bảo hổ chồng:

- Chẳng cần vội vàng làm gì nữa. Đi từ từ thôi nhé.

Mặt Ất vênh váo như cái bánh đa nướng, lớn tiếng tuyên bố:

- Các cậu xem, trên thế giới này, mấy ai được cưỡi hổ oai phong như mình nào?

Tuy Ất chìa cả hai bàn tay còn dính máu khô và lông hổ, tuy mấy anh chàng gác áp chót nhìn thấy một bóng người cưỡi hổ thấp thoáng trong sương sớm, chúng tôi vẫn bán tín bán nghi. Còn cậu Ngọc lùn trong khẩu đội tôi lúc nào cũng tỏ ra tinh tướng, chép miệng, hạ luôn một câu:

- Tin gì cái mồm thằng Ất.

Anh Ất ức lắm. Anh bảo: Rỗi hơi nói với chúng mày. Rồi hằm hằm bỏ đi xuống suối.

Ngay đêm hôm sau, mấy cậu gác trận địa ca áp chót được chứng kiến một pha sợ thót tim, bạt vía. Ấy là cậu đi tuần gần tới nhà bếp, cả bốn con mắt nhìn rõ mồn một, rõ như ban ngày, các cậu bảo thế, ông hổ cõng con bò vứt đánh uỵch một tiếng trước cửa lán của anh Ất. Đợi cho ông hổ đi thật xa, các cậu mới thần hồn nát thần tính đánh thức cả đại đội dậy xem. Anh nào hiếu kỳ thì chạy ào ào như ong vỡ tổ tranh cãi, bàn tán cho đến sáng. Tuy vậy cũng còn ối anh nhát chết. Họ vẫn nằm co rúm trong hầm, bảnh mắt, đại đội trưởng phải cho người lôi từng đứa ra.

Phó Chính trị viên trưởng, một người có vóc dáng thư sinh nhưng lại bị lang ben đầy cổ, vào bản hỏi xem hồi đêm có nhà nào mất bò không.

Ông trưởng bản to béo lực lưỡng như hộ pháp, ra trận địa xem bò. Ông bảo, bò rừng. Ông hổ đem trả ơn bộ đội giúp vợ ông ấy vượt cạn đấy. Bộ đội đem thịt đi.

Chúng tôi đem biếu bản một nửa con bò để chia đều cho các bếp.

Ba bốn tháng nay chỉ có rau rừng, cơm muối ruốc, cá khô mặn chát… Lính ta được một bữa túy lúy. Cái thứ thịt bò rừng sao nó ngọt đến thế. Ngọt từ đầu lưỡi, chân răng, xuống cuống họng rồi lan tỏa khắp cơ thể.

Cậu Ngọc lùn tinh tướng, kẹp đũa chùi mép, lớn tiếng:

- Ước gì đêm nào ông Ất cũng đi đỡ đẻ cho hổ nhỉ?

Truyện ngắn Dương Duy Ngữ