Dò dẫm từng bước đưa hàng Việt xuất ngoại

ANTĐ - Nếu được phân phối, tiêu thụ rộng rãi tại thị trường nước ngoài, hàng Việt Nam mới có thể phát triển mạnh mẽ và tăng thêm giá trị. Tuy nhiên, đưa hàng Việt xuất ngoại là việc không dễ, nhất là khi khâu tổ chức sản xuất vẫn còn manh mún và thiếu chiến lược. 

Dò dẫm từng bước đưa hàng Việt xuất ngoại ảnh 1Xoài Việt Nam được bày bán trong siêu thị của Nhật Bản

Làm mãi vẫn lu mờ

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Chính phủ nước này đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để cấp giấy phép nhập khẩu cho xoài Việt Nam. Nếu được cấp phép, đây sẽ là loại quả thứ hai của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này. Đây là tin vui đối với người trồng xoài cũng như các doanh nghiệp chế biến hoa quả xuất khẩu của Việt Nam.

Đơn giản vì khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, giá trị hàng Việt sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn: “Tại sao Việt Nam nổi tiếng với nhiều loại hoa quả nhiệt đới mà xoài mới là loại quả thứ hai được xuất sang Australia? ”.

Thực tế này cho thấy, xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài không phải dễ dàng. Đâu chỉ riêng thị trường Australia, với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng phải dò dẫm từng bước. TS Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT) từng cho biết, có loại quả Việt Nam phải mất 10 năm mới xuất khẩu sang được thị trường nước ngoài.

Tương tự, với mặt hàng xuất khẩu được coi là thế mạnh như thủy sản, dù Mỹ, EU từng nhập khẩu của Việt Nam khá nhiều, song hàng Việt Nam tại các thị trường này cũng “dính” phải không ít vụ kiện về bán phá giá và chất lượng không đảm bảo. 

Từng thực hiện cuộc khảo sát về hàng Việt tại nước ngoài, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Bộ môn Quản trị thương hiệu (trường Đại học Thương mại Hà Nội) chia sẻ: “Khi hỏi người tiêu dùng nước ngoài có biết về sản phẩm của Việt Nam không, họ đều lắc đầu. Người nước ngoài chủ yếu biết đến 2 thứ của Việt Nam là Phở 24 và Vinacafe, còn bao nhiêu sản phẩm xuất khẩu khác người ta ít biết đến. Đây là thực tế đáng buồn”.

Theo ông Đặng Hoàng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu làm gia công nên không thể khẳng định được thương hiệu. Hàng da giày, dệt may là ví dụ điển hình. “Nếu không thay đổi, thực trạng này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt mãi vô danh trên thị trường thế giới”- ông Đặng Hoàng Hải nói.

Tiêu chí ngặt nghèo để khẳng định tên tuổi

Trên thực tế, hàng Việt đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, việc đưa hàng Việt ra nước ngoài thông qua hệ thống phân phối bán lẻ của các nhà bán lẻ ngoại tại Việt Nam cũng được đẩy mạnh. Sản phẩm của Việt Nam đã vào được hệ thống của Big C, Lotte… ở các nước.

Nhưng theo thống kê của Bộ Công Thương, giá trị hàng xuất khẩu qua kênh này còn khá khiêm tốn. Có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa hàng vào hệ thống phân phối ở nước ngoài, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Thăng Long cho hay: “Mỗi mặt hàng khi bước chân vào hệ thống phân phối ở nước ngoài đều phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể. Doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật những tiêu chí đó để đưa ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của họ. Bên cạnh đó giá cả phải rất cạnh tranh thì mới mong đứng vững được ở thị trường nước ngoài”.

Cụ thể, các tiêu chí bắt buộc với hàng xuất khẩu vào các thị trường này là có nguồn gốc, xuất xứ, bao bì rõ ràng; chất lượng hàng hóa ổn định. 

Theo ông Jacques Fourvel - Cố vấn Chủ tịch Tập đoàn Casino (Pháp), bên cạnh việc cần nắm rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, về môi trường… khi xuất hàng vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam phải am hiểu cặn kẽ pháp luật của Liên minh châu Âu. Muốn đáp ứng các điều này, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến công nghệ là yếu tố then chốt. Ngoài ra, xây dựng thương hiệu cũng là yêu cầu cấp thiết để hàng Việt khẳng định tên tuổi, giá trị cũng như thực hiện các cam kết chất lượng với người tiêu dùng ngoài nước.