Đỗ cao không vui

ANTĐ - Đây có thể là tâm trạng của rất nhiều người cả trong và ngoài ngành giáo dục trong thời điểm đáng nhẽ phải vui nhiều hơn bởi kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 của cả nước là những con số trong mơ khi thí sinh trượt chỉ đếm trên đầu ngón tay tại mỗi địa phương.

Sẽ là niềm vui lớn nếu như không có sự cố ở hội đồng thi trường THPT DL Đồi Ngô. Nhiều người nghi ngại khi gần 1 triệu thí sinh dự thi mà lại cứ chằn chặn như nhau cùng đỗ cả. Với mức tăng liên tục, có nơi tăng tới vài chục phần trăm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dù được coi là “vùng trũng” của ngành giáo dục kể từ sau thời điểm chững lại bởi phong trào “Hai không” được phát động vào 2007 khiến nhiều người trong ngành phải giật mình.

Tuy nhiên, cứ như những năm trước, không có bằng chứng sẽ chẳng ai nói được gì, lãnh đạo Bộ GD-ĐT trả lời sao thì biết vậy khi khẳng định tỷ lệ đỗ tăng vì chất lượng giáo dục đại trà tăng. Còn năm nay, sau sự cố này, các chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý, luật sư, các nhà chuyên môn liên quan đã có chứng cứ để cùng lên tiếng cảnh báo về chất lượng thật đằng sau những con số trong mơ về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012. 

Tuy nhiên, trước những lo lắng xuất phát từ bằng chứng không thể phủ nhận về tiêu cực thi cử ở Bắc Giang thì thay vì dừng lại để có cái nhìn tổng thể, Bộ GD-ĐT lại phản ứng rằng đã có quá nhiều suy diễn đồng thời tái khẳng định kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Trong khi không ít người dân cùng bàn về những biện pháp khích lệ tinh thần tố cáo tiêu cực trong thi cử thì Bộ GD-ĐT chỉ trả lời đã phân cấp cho địa phương, xử lý thế nào là do địa phương quyết định. Lúc này điều mà mọi người dân lúc này quan tâm là ngành giáo dục làm gì để tái khẳng định chất lượng thực của người dạy, người học.

Nhiều người mong muốn sau đây sẽ là những biện pháp giám sát thi cử hiệu quả hơn, là những cách thức hợp pháp cho mọi người đều có thể phản ánh tiêu cực và rằng Bộ GD-ĐT thực sự kiểm soát được những con số “biết nói” kia. Chống tiêu cực, ít nhất, đã một lần ngành giáo dục ghi được dấu ấn với lời đáp bằng việc khởi động “Hai không”. Với một tâm trạng hết sức sốt ruột, một nhà giáo lâu năm và tâm huyết với nghề đã phải thốt lên vụ tiêu cực thi cử ở Bắc Giang, nếu không rung động được các nhà quản lý giáo dục thì hỏng to.