Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc như gạo trắng, gạo lứt, bắp (ngô), yến mạch, lúa mì… giàu glucose, tinh bột và các nhóm vitamin B là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho các hoạt động của não bộ giúp hệ thần kinh khỏe mạnh, điều hòa nồng độ đường huyết. Ngoài ra, các loại hạt óc chó, hạt điều, hạt dẻ, hạnh nhân, macca, hạt lanh, hạt chia… đều là những thực phẩm cực kỳ tốt trong việc cải thiện chức năng não bộ và thúc đẩy hoạt động ghi nhớ.
Dinh dưỡng và chế độ ăn uống hợp lý có ảnh hưởng rất tốt đối với trí não trẻ em |
Rau xanh và trái cây
Thiếu sắt có thể gây tình trạng “sương mù” não bộ khiến cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung. Rau lá xanh chứa hàm lượng chất sắt khá cao, các loại trái cây nhiều màu sắc sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe đặc biệt là mắt và trí não. Quả bơ chứa nhiều protein, chất chống oxy hóa, chất béo lành mạnh bảo vệ cơ thể và tăng cường lưu thông máu để tối ưu chức năng não bộ và tinh thần tập trung tốt hơn. Các loại trái cây có màu đỏ, cam như đu đủ, cam, xoài,… thường có nhiều vitamin A giúp sáng mắt, tăng cường khả năng ghi nhớ.
Mật ong, nghệ
Trong mật ong có chứa các loại men tự nhiên, các acid amin, vitamin và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh trung ương; chống lại căng thẳng, lo âu, tăng khả năng nhớ bài của bộ não. Trước khi đi ngủ, bạn có thể pha một chút mật ong với sữa ấm để ngủ ngon hơn. Củ nghệ cũng được xem là thức ăn bổ não cho sĩ tử mà cha mẹ nên bổ sung vào bữa ăn hàng ngày của con. Nghệ vừa có tác dụng chống oxy hóa, vừa hỗ trợ điều trị các chứng bệnh liên quan tới tiêu hóa như viêm loét dạ dày và giảm trầm cảm.
Các loại cá béo, trứng
Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá tra… chứa nguồn axít béo Omega-3 dồi dào giúp hình thành tế bào não và thần kinh từ đó giúp nâng cao khả năng ghi nhớ tốt. Khi cơ thể không được cung cấp đủ Omega-3, khả năng học tập có thể giảm so với bình thường, cũng dễ bị trầm cảm hơn. Các chuyên gia đã nghiên cứu và đưa ra kết luận những người ăn cá béo thường xuyên sẽ có nhiều “chất xám” hơn. Với nguồn vitamin B6, B12, folate, choline dồi dào, trứng có tác dụng tổng hợp các dưỡng chất trong não, làm chậm quá trình suy giảm tinh thần, ngừa bệnh trầm cảm. Đặc biệt, choline có trong lòng đỏ trứng là hợp chất tạo ra acetylcholine giúp điều chỉnh tâm trạng và tăng cường trí nhớ. Sử dụng trứng vào bữa sáng hoặc bữa phụ sẽ rất tốt cho thị lực.
Nguyên tắc giữ sức khỏe mùa thi
Chọn mua những thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không nên bỏ bữa sáng vì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Không nên ăn quá no vì sẽ khiến máu tập trung nhiều về dạ dày và ruột. Khi đó, lượng máu lên não sẽ giảm đi dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, giảm khả năng tiếp thu. Không nên học khi vừa ăn xong. Tốt nhất nên học sau khi ăn 30-60 phút. Trong thời gian đó, nên tranh thủ đi bộ nhẹ nhàng, hít thở không khí trong lành để đầu óc được thư giãn. Sát ngày thi các sĩ tử cần ăn uống khoa học và đảm bảo vệ sinh. Không nên ăn những thức ăn lạ, khó tiêu vì có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả thi.
Nên ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày, buổi tối nên học bài sớm và cố gắng ngủ trước lúc 23h, sau đó sáng dậy sớm để học bài, sẽ tốt hơn là học quá khuya gây mệt mỏi cho cả ngày hôm sau và không tốt cho cơ thể về lâu dài. Các em cũng nên ngủ trưa từ 20-30 phút để có thể tỉnh táo trong buổi chiều.
Tránh ngồi học quá lâu. Nên có những khoảng thư giãn nhỏ 5-10 phút giữa mỗi 30-60 phút ngồi học để đầu óc được thư giãn và tuần hoàn lưu thông, giúp học tập trung hơn, tránh để đầu óc quá căng thẳng. Đồng thời, nên duy trì thói quen ăn sáng để nạp năng lượng cho trí não sau một đêm ngủ dài và cho cả ngày học tập phía trước.
Nên nghỉ ngơi 30-60 phút sau khi ăn rồi mới học, có thể tranh thủ đi dạo nhẹ nhàng, hít thở sâu, để cơ thể và đầu óc được thư giãn thoải mái. Luôn cố gắng vận động ít nhất 15-20 phút mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hoạt động thể chất giúp tăng cường trí nhớ và khả năng liên kết thần kinh, giúp tăng hiệu quả học tập.