- Kinh nghiệm gì đâu, tôi cũng như rất nhiều người suốt ngày phơi mặt, cắm đầu trong chảo lửa, dần dà rồi sẽ quen thôi. Nóng mấy cũng vẫn phải làm việc mà sống chứ.
- Kể ra có người “chia sẻ” cái nóng, thấu hiểu và cảm thông thì cũng coi như một chút bóng râm mát, tránh nắng bên đường.
- Được thế thì mát hơn điều hòa, đằng này người ta lại đưa lên truyền hình cảnh rán trứng, rán thịt bằng chảo phơi trên sân thượng để chứng tỏ nắng nóng đúng là… chảy mỡ, cháy thịt da thật.
- Sao họ không cận cảnh người lao động “phơi nắng”, “tắm nắng” trên các giàn giáo, trên mặt đường nhựa chảy nhão ra nhỉ?
- Hình như tôi có thấy người ta đưa cảnh người Hà Nội rủ nhau đi tắm hồ Tây, hồ Linh Đàm, rồi còn trèo lên cả lan can cầu Nhật Tân hóng mát.
- Nắng nóng như hỏa lò, ai chả muốn kiếm chỗ trốn nắng. Nhưng tôi chưa thấy báo đài, truyền hình đưa làm rõ xem các ông chủ có lo chống nóng, bồi dưỡng tí chút gì cho người lao động hay không?
- Ông đòi hỏi hơi bị nhiều đấy. Nhiệt độ ngoài trời tăng cao nhưng nhiệt huyết, nhiệt tình của con người lại không tăng kịp.
- Đâu phải ai cũng đều được lao động trong phòng máy lạnh. Thế nhưng, người ngồi phòng điều hòa đừng nghĩ ai cũng được mát mẻ như mình.
- Thì đấy, đa số người lao động vẫn làm việc hăng say mà đâu cần máy lạnh. Tôi nghĩ chẳng bao giờ “điều hòa” được sự chênh lệch “nhiệt độ” giàu nghèo đâu.