Di tích lịch sử gò Đống Thây bị xâm hại nghiêm trọng

(ANTĐ) - Khu di tích lịch sử gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội bị xâm hại nghiêm trọng. Chúng tôi không khỏi giật mình bởi rác thải tràn ngập và khu di tích đã và đang bị người ta chia nhỏ ra để làm nhà, dựng lều lán...

Di tích lịch sử gò Đống Thây bị xâm hại nghiêm trọng

(ANTĐ) - Khu di tích lịch sử gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội bị xâm hại nghiêm trọng. Chúng tôi không khỏi giật mình bởi rác thải tràn ngập và khu di tích đã và đang bị người ta chia nhỏ ra để làm nhà, dựng lều lán...

Nếu không quản lý sẽ thành xóm liều...

Tháng 9-1990, gò Đống Thây phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử. Ngay tại đây có tấm bảng khắc dòng chữ: Gò Đống Thây có 7 gò thất tinh, di tích lịch sử chôn xác giặc ngoại xâm gồm 7 gò thất tinh được nhân dân gọi là gò Đống Thây (Đống Thấy)... Di tích lịch sử được xếp hạng - cấm xâm phạm... Nhưng khi đi quanh khu di tích lịch sử gò Đống Thây, chúng tôi không khỏi giật mình bởi một di tích được xếp hạng như vậy mà đã bị quên lãng, tan hoang, ảm đạm đến không ngờ. Nhiều nơi trong khu di tích bị đào bới lộn xộn, ngay cả tấm biển sắt ghi tên di tích treo trước cổng chính lối vào khu di tích đã nằm ngả xuống hàng rào, chữ trên tấm biển mờ hết, bị  hoen gỉ sắp rơi xuống đất. 

Từ lâu, hàng rào quanh khu vực gò Đống Thây bị gỉ, gẫy vụn nên có cũng như không. Cánh cổng ra vào khu di tích đã biến mất từ bao giờ, nên hàng ngày (nhất là từ 22h) xe ôtô các loại vô tư chạy ra vào gò để trút phế thải xây dựng. Ông Nguyễn Văn Kha, một người dân ở gần gò Đống Thây cho biết: Cách đây hơn 1 tháng, rác ở gò Đống Thây còn ngập lút đầu người, thành phố đã phải cho xe ủi đến san và chở rác đi nên trong gò mới được thoáng rộng như vậy.

Nhưng hiện tại, mặt bằng của gò lại trở thành đường cho các xe ôtô chạy qua đây... Hàng ngày ở gò Đống Thây thường có một số người lạ mặt đến đây đào đất cho vào bao tải để chở đi bán cho những hộ có nhu cầu đổ đất san nền nhà. Khi bảo vệ của gò Đống Thây có mặt tại đây, những người đó vẫn hì hụi đào đất gò coi bảo vệ có cũng như không. Chúng tôi có hỏi ông Nguyễn Hữu Vân, bảo vệ của khu di tích tại sao ông không ngăn cản việc trên, ông Vân nói, nếu ngăn cản, thì họ sẽ tìm cách trả thù ông...

Theo quy hoạch, diện tích của gò Đống Thây là 26.722m2, khi gò Đống Thây được công nhận là khu di tích lịch sử, cơ quan chức năng đã cắm 12 mốc giới xung quanh khu vực gò, nhưng đến nay chỉ còn lại 3 mốc giới. Càng đi vào bên trong gò, càng bắt gặp rất nhiều khoảng đất được chia thành từng lô để xây nhà, dựng lều lán, quán bán hàng. Một số lều lán dựng tạm, nhưng bên trong người ta đang lặng lẽ xây tường bao và chỉ trong một thời gian ngắn tấm bạt phủ ngoài được hất ra, một căn nhà cấp 4 sẽ mọc lên.

Ông Nguyễn Tiến Minh, ở tổ dân số 42, phường Thanh Xuân Trung cho biết: Gò Đống Thây còn được coi là một điểm nóng nơi các đối tượng nghiện tụ tập để sử dụng ma túy. Trước đây, các đối tượng nghiện thường vào trong khu vực gò để sử dụng ma túy, chúng cắm bơm kim tiêm vào các thân cây chuối trắng xóa. Cơ quan Công an nhiều lần tổ chức quét vét đối tượng nghiện hút, nên hiện tại tình trạng này đã giảm. Nhiều người dân sống quanh khu vực gò Đống Thây đều chung một cảm nghĩ nếu cứ buông lỏng việc quản lý gò Đống Thây, thì đây sẽ trở thành xóm liều...

Hàng quán lấn chiếm gò Đống Thây
Hàng quán lấn chiếm gò Đống Thây

Phường  mong được phối hợp để quản lý

Ông Trần Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết: Năm 1997, thành phố đã giao di tích lịch sử gò Đống Thây cho Ban Quản lý danh thắng, Sở VHTT quản lý. Năm 1998, trong khuôn viên di tích gò Đống Thây đã có trên 40 lều dựng lán tạm trên đất chiếm, đến tháng 6-2007 con số này đã là 50.

Phường Thanh Xuân Trung đã phối hợp với cơ quan chức năng của quận giải tỏa những căn nhà lấn chiếm đất trái phép đó, nhưng chỉ sau đó một thời gian mọi việc lại tái diễn. Vì vậy, phường đã mời Ban Danh thắng của Sở VHTT đến cùng phối hợp để bàn biện pháp quản lý, nhưng không thấy cán bộ của Ban đến. Cách đây 1 tháng mới thấy cán bộ của Ban Quản lý danh thắng đến làm việc với phường...

Cũng theo ông Trần Ngọc Sơn, việc giải tỏa, cưỡng chế các hộ lấn chiếm đất làm lều lán trái phép trong gò Đống Thây không phải là khó, nhưng khó nhất là việc giữ được sau khi giải tỏa, trong khi lực lượng của phường rất mỏng và vượt quá khả năng của phường... Vì vậy, việc giải quyết tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép ở gò Đống Thây chỉ là chuyện “bắt cóc... bỏ đĩa”. Còn đơn vị được thành phố giao trách nhiệm quản lý khu di tích này lại chỉ trông mong vào 2 bảo vệ...

Hiện tại, dù chưa có cơ quan chức năng nào thống kê cụ thể được diện tích đất trong khu gò Đống Thây bị lấn chiếm trái phép là bao nhiêu, nhưng theo ước tính diện tích đất còn lại của gò Đống Thây có lẽ còn chưa đến 20.000m2. Những người dân đến đây chiếm đất dựng nhà phần lớn đều là dân ở nơi khác, họ sống theo kiểu “xóm bụi”, nên tình hình an ninh trật tự ở đây phức tạp...

Vừa qua, có ý kiến đề nghị Ban Quản lý danh thắng Sở VHTT trước mắt cho làm lại cửa cổng chính của khu di tích để ngăn tình trạng ôtô ra vào đây đổ phế thải trái phép, nhưng gần nửa tháng trôi qua một việc nhỏ như vậy vẫn chưa được thực hiện... Trước thực trạng khu di tích lịch sử gò Đống Thây bị xâm phạm nghiêm trọng như trên, trách nhiệm không chỉ thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân và Sở Văn hóa Hà Nội phải vào cuộc để có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Đừng để di tích lịch sử gò Đống Thây tiếp tục bị lấn chiếm đất dựng nhà, lều lán trái phép khi thành phố Hà Nội đang hướng tới sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Quốc Đô