- Game thủ Trung Quốc mạnh tay thuê nữ đồng hành để bớt cô đơn
- Nhật Bản khánh thành 2 nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước
- Mãn nhãn với nội thất siêu cấp của “dinh thự bầu trời” Boeing 747
Tận hưởng cảm xúc mãnh liệt
Lắng nghe tin tức để dự đoán vị trí cơn bão sẽ đổ bộ, tìm vị trí tốt nhất và đặc biệt là có chỗ trú ẩn ngay sau khi chụp xong. Tất nhiên, không phải lúc nào đi là có những tấm ảnh ưng ý. Vì dù sao nhiếp ảnh vẫn là trò chơi của khoảnh khắc và ánh sáng. Để chụp được cơn bão tiến vào vịnh Hạ Long, Đặng Tuấn Trung đã mất tới 3 lần chờ đợi, trở đi trở lại trên đảo. Một lần thì anh đón hụt, ca nô mới đi tới nửa đường thì bão đã đổ bộ vào. Lần khác thì không tàu thuyền nào được ra khơi vì có lệnh cấm. Cuối cùng, nhờ đã có mặt trên đảo nên khi cơn bão tiến vào vịnh, anh đã kịp ghi lại.

“Bắt sống” cơn bão tại vịnh Hạ Long
Anh chia sẻ: “Khi bão lớn thì việc đứng vững cũng rất khó khăn, chân máy ảnh dù đã được đeo đến 4, 5 hòn gạch nhưng vẫn lắc. Bấm máy trong lúc cơn bão đổ bộ với sức gió khủng khiếp thật đáng sợ. Tôi chỉ kịp bấm máy liên tục rồi nhanh chóng trốn vào nơi trú ẩn, mưa lập tức trút xuống với tất cả sự cuồng nộ của đất trời”. Trong một lần đuổi theo cơn giông, anh đã bị gió mạnh quật đổ máy ảnh, còn người thì hứng nguyên những giấy rác và bao tải từ đâu bay thẳng vào mặt. Những tai nạn như vậy vẫn còn là nhẹ so với những nguy hiểm luôn rình rập “kẻ săn bão”. Anh thú thực: “Đứng trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, mây vần vũ, gió rít lên từng trận, sấm sét nhằng nhịt trên đầu, lúc đó, tôi cảm thấy con người thật nhỏ bé, bất lực trước thiên nhiên. Tôi cũng sợ chứ, nhưng dường như cảm xúc mãnh liệt mà thiên nhiên đem tới đã làm tôi tạm quên đi nỗi sợ”.
Sở thích kỳ lạ
Với sở thích săn bão, Đặng Tuấn Trung đã dựa vào kinh nghiệm của một người lính từng công tác tại Trung đoàn Vận tải trước đây để phán đoán và nhận biết được con đường ngắn nhất, chính xác nhất nơi cơn bão sẽ đổ bộ, dự báo được thời tiết, cái gì có thể xảy ra lũ, cái gì có thể xảy ra mưa… Nhưng những lần vác máy hụt trở về vẫn có trong các lần tác nghiệp của anh. Điểm đặc biệt, chụp ảnh về giông, bão không phải cứ chuẩn bị tốt, chọn vị trí đứng tốt là thành công. Công việc này phụ thuộc vào sự may rủi, nhiều khi dự đoán như thế nhưng cơn bão, cơn giông lại đi chệch hướng hoặc chưa kịp chụp thì nó đã tan mất.

Cơn mưa giông nhìn từ đèo Hải Vân
Công việc của một kiến trúc sư khá bận rộn, anh thiết kế, thi công xây dựng nên niềm đam mê của một tay máy “ngang” được Đặng Tuấn Trung coi đó là sở thích giải trí, tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Nhưng sở thích kỳ quái này đã mang đến những người bạn của anh sự tò mò, vui vẻ. Một số ảnh của anh cũng đã có người tìm mua, đem về làm quà cho người thân, bạn bè. Điều đó cũng làm anh vui với những nỗ lực và sự dấn thân săn giông bão. Cá tính mạnh mẽ, không thích sự êm ả của Đặng Tuấn Trung chính là nguồn cơn của sở thích lạ lùng này. Thậm chí, anh đã nhận mình là một người thích “gây sự”, thích có chuyện để tranh cãi.
Coi chụp ảnh giông bão là một thú vui tiêu khiển, anh mê nhất là đuổi theo những cơn giông, cơn bão. Hơn nữa, niềm vui ấy không có điểm bắt đầu nên cũng sẽ không có điểm kết thúc. Đặng Tuấn Trung sẽ tiếp tục săn bão. Vì thế, nếu đâu đó trên đường đi, bạn thấy một nhà nhiếp ảnh đang lúi húi tác nghiệp trong lúc trời đất nổi cơn giông thì cũng đừng ngạc nhiên. Hãy cứ mặc kệ anh ta được làm những gì mình muốn.