Từ đỉnh đèo nhìn về khu rừng thông đặc dụng Phia Đén
Trải rộng trên ba xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh và thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), Phia Oắc là rừng đặc dụng, là kho di sản vô giá của miền Đông Bắc. Với đỉnh cao 1.931m so với mực nước biển, cao hơn thị trấn du lịch Sa Pa 450m, cao hơn Ba Vì, Tam Đảo gần 1.000m, ngần ấy cũng đủ để Phia Oắc là nóc nhà của tỉnh Cao Bằng và cả miền đông bắc Việt Nam.
Phia Oắc hút hồn tao nhân mặc khách bởi phong cảnh trữ tình riêng của những khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn, vườn quốc gia với diện tích hơn 300.000ha, khu nuôi cá hồi quy mô lớn... chung quy cũng vì ba chữ “tiểu thần tiên” mà trời ban cho vùng núi cao thường có băng tuyết mỗi năm này. Là chốn “rừng vàng, núi bạc” theo đúng nghĩa đen, Phia Oắc còn là nơi khởi nguồn 5 con sông lớn trong khu vực, trong đó có sông Bằng - sông Hiến. Nước từ các sông núi của khu rừng đặc dụng Phia Oắc dồi dào chính là nguồn năng lượng vô tận cho nhà máy thủy điện Tà Sa. Con đường hơn chục kilomet từ Phia Đén lên đỉnh đèo Phia Oắc - nơi cao nhất của “Cánh cung Ngân Sơn” nổi tiếng - vòng vèo uốn lượn, nhiều đoạn chênh vênh như muốn vứt mọi thứ trên lưng nó xuống dưới sâu thăm thẳm. Thế nhưng càng lên cao, sơn kỳ thủy tú càng trải ra mênh mông tầm mắt đưa con người vào cõi “vô sự tiểu thần tiên” để rồi ai nấy đều hít căng lồng ngực, ngả nghiêng trước gió núi mây ngàn. Những cây cổ thụ lan man rêu, mốc, cây ký sinh đứng giữa rừng trúc xanh xanh tim tím trong nắng chiều lạnh buốt, những rừng phi lao đặc dụng xanh ngút mắt thẳng đứng trải từ dưới xa thung lũng hàng chục cây số lên đến tận đỉnh đèo, thu vào tầm mắt là điệp trùng rừng núi.
Phia Oắc xưa kia hoang sơ với những câu chuyện rợn người của một vùng rừng thiêng nước độc. Còn nhớ gần một thế kỷ trước, khi người Pháp tới khai phá và tôn vinh giá trị của Phia Oắc. Với những người Pháp tham gia xây dựng con đèo, Colia mới là tên gọi chính để minh chứng cho sự có mặt của những con người đã mở đường qua vùng rừng núi hoang vu này. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi chính nơi đây, một nữ kỹ sư, người tham gia thiết kế con đèo đã bỏ mạng bởi nanh vuốt “chúa sơn lâm”. Kể từ đó, họ gọi con đèo này bằng chính tên của người nữ kỹ sư ấy- Colia, để tưởng niệm và ghi nhớ về vùng đất tươi đẹp mà hoang dã.
Sau khi hoàn thành con đường xuyên qua vùng đất “Tiểu thần tiên”, Người Pháp còn xây các khu nhà nghỉ dưỡng cuối tuần, các biệt thự xây bằng đá tảng, hệ thống hầm lò khai quặng thiếc xuyên núi dài nhiều cây số. Khu nhà biệt thự bỏ hoang lâu năm nhưng vẫn còn hình hài, cho ta hình dung về những kiến trúc Pháp cổ.