“Đêm của bóng tối”

(ANTĐ) - Nỗi oan khuất, éo le ngang trái của cuộc đời danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ đã được đưa lên sân khấu để khán giả cùng luận bàn. Dưới sự đạo diễn của NSND Lê Hùng và NSƯT Bạch Lan, vở bi kịch “Đêm của bóng tối”- tác giả Lê Chí Trung đã tạo được nhiều lớp diễn gây xúc động mang thông điệp mới vừa ra mắt ngày 21-1 tại Nhà hát Tuổi trẻ.

“Đêm của bóng tối”

(ANTĐ) - Nỗi oan khuất, éo le ngang trái của cuộc đời danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ đã được đưa lên sân khấu để khán giả cùng luận bàn. Dưới sự đạo diễn của NSND Lê Hùng và NSƯT Bạch Lan, vở bi kịch “Đêm của bóng tối”- tác giả Lê Chí Trung đã tạo được nhiều lớp diễn gây xúc động mang thông điệp mới vừa ra mắt ngày 21-1 tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Sáng tạo nhiều thủ pháp nghệ thuật

Huy động dàn diễn viên tài danh của Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam như: NSƯT Trung Anh, NSƯT Lan Hương, nghệ sỹ Tiến Lộc, Phương Nga… vở kịch “Đêm của bóng tối” ngay từ giây phút mở màn đã hứa hẹn mang đến cho khán giả một vở diễn có chất lượng. Âm nhạc dồn dập và tiết tấu gấp gáp của vở diễn đã làm cho những bi kịch, xung đột kịch được cộng hưởng và vì thế mà nỗi oan trái của vị danh nhân Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ càng trở nên đau đáu trong lòng mỗi khán giả.

Vẻ đẹp của Nguyễn Thị Lộ đã được lột tả qua cảnh diễn đầy gợi cảm
Vẻ đẹp của Nguyễn Thị Lộ đã được lột tả qua cảnh diễn đầy gợi cảm

Hiệu ứng của âm nhạc Phật giáo với tiếng tụng kinh, gõ mõ ở phần cuối vở kịch như những lời cầu mong cho linh hồn của ông và vợ siêu thoát lên cõi cực lạc khi mà hậu sinh của 600 năm sau đã thấu hiểu tấm lòng ngay thẳng, chính trực của một trung thần. Trong “Đêm của bóng tối”, bà Nguyễn Thị Lộ đã được đặc biệt đi sâu vào miêu tả vẻ đẹp về nhan sắc, trí tuệ và tâm hồn. Đó là một người đàn bà đẹp, tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, thủy chung với chồng bên cạnh hình ảnh của Nguyễn Trãi luôn lo lắng cho sự thịnh suy của Vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Đại Việt.

Nhiều thủ pháp nghệ thuật đã được NSND Lê Hùng tìm tòi và đưa vào vở để làm tăng thêm tính bi kịch cho vở diễn. Đạo cụ là một cánh hoa bay lẻ loi và cô quạnh trong không gian sân khấu đơn sắc đã gợi liên tưởng cho khán giả về phận “Hồng nhan bạc mệnh” của nhân vật Nguyễn Thị Lộ.

Nhưng cánh hoa ấy cũng được sử dụng để miêu tả vẻ đẹp của bà. Cảnh diễn táo bạo, đầy gợi cảm của NSƯT Lan Hương (vai Nguyễn Thị Lộ) tắm bên bờ sông với những cánh hoa sen mỏng manh rắc lên tấm thân của bà đã trở thành cảnh diễn ấn tượng và biểu cảm nhất của vở diễn. Vẻ đẹp ấy được miêu tả đầy tính nghệ thuật mà không phô bày và cũng lý giải cho tình yêu mà nhà vua dành cho người phụ nữ đã có chồng. Từ đó, đã dẫn đến những bi kịch sau này cho cuộc đời của bà và chồng - Nguyễn Trãi.

Còn nhiều “sạn” được nhặt ra

Trong một vở bi kịch, để giữ khán giả ngồi đến tận cùng đêm diễn thì tiếng cười là yếu tố không thể thiếu. Trong “Đêm của bóng tối”, đạo diễn gạo cội Lê Hùng đã không quên yếu tố này qua nhân vật hoạn quan. Tuy nhiên, liều lượng vẫn chưa đủ để tạo nên một vở bi kịch có sức hút với khán giả. Những vai diễn rất “đời” lại có phần khó tìm thấy trong vở diễn. Cho dù, NSƯT Lan Hương đã vào vai thành công nhưng sự chênh lệch tuổi tác giữa chị và diễn viên đóng vai nhà vua do một diễn viên trẻ đảm nhận đã làm cho người xem cảm thấy “kịch” trong mối tình đức vua dành cho Thị Lộ.

Vai Nguyễn Trãi còn nhiều “sạn”
Vai Nguyễn Trãi còn nhiều “sạn”

Hơn nữa, đây là một vở kịch nói về Nguyễn Trãi và Thị Lộ nên dù sao 2 nhân vật chính này luôn nhận được sự chú ý đặc biệt của khán giả. Vậy mà, diễn viên đóng vai Nguyễn Trãi về già lại có phần cẩu thả trong việc hóa trang khi mái tóc của anh, phần búi tó thì bạc, phần tóc thật lại màu đen. Dáng đi chống gậy của Nguyễn Trãi chưa thực sự được anh diễn tả tốt. Cái gậy dường như chỉ được đặt vào tay mà không có tác dụng chống đỡ cho toàn bộ cơ thể. Những đoạn đối thoại giữa các nhân vật chưa được tự  nhiên.

Tuy vậy, bi kịch trong cuộc đời của Nguyễn Trãi và vợ - Nguyễn Thị Lộ vẫn được vở kịch truyền tải thành công với cái chết của nhà vua ở cuối câu chuyện và vẻ mặt ngơ ngác, buồn đến thê lương của bà Thị Lộ. Khép lại ở đó, vở diễn không bàn luận đến cảnh “chu di tam tộc” của gia đình Nguyễn Trãi mà để người xem tự tiếp nối về kết thúc bi thảm của gia đình danh nhân văn hóa - kỳ án Lệ Chi Viên, một vết nhơ không thể xóa sạch trong lịch sử Việt Nam thời Hậu Lê.

Phạm Thu Hương