Đề xuất trợ giúp tâm lý cho nạn nhân thiên tai

ANTĐ - ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang cho rằng, do nạn nhân thiên tai dễ bị sang chấn tâm lý khi mất người thân, tiêu tán tài sản... nên cần có sự trợ giúp về mặt tâm lý.
Đề xuất trợ giúp tâm lý cho nạn nhân thiên tai ảnh 1
Mất nhà cửa, tài sản và người thân, nạn nhân thiên tai dễ gặp sang chấn tâm lý
(Ảnh minh họa)


Sáng nay (ngày 6-6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai.

Đề cập đến việc khắc phục hậu quả thiên tai, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng hiện nay chúng ta thường quan tâm đến vật chất mà chưa để ý về mặt tinh thần của các nạn nhân thiên tai. Trên thực tế các đối tượng này dễ gặp sang chấn tâm lý khi mất người thân, tiêu tán tài sản... Các nước đã chú ý điều này, tuy nhiên Việt Nam chưa có, vì vậy cần trợ giúp tâm lý cho các nạn nhân của thiên tai, tránh những trường hợp tiêu cực có thể xảy ra.

Một vấn đề khác được bà Trang đề cập đến, đó là việc nguồn lực hỗ trợ phòng chống thiên tai hiện rất phân tán: ngoài kinh phí, ngân sách nhà nước còn có các tổ chức từ thiện đóng góp, tiền của cá nhân...Việc cùng một lúc có nhiều đoàn cứu trợ đến sẽ gây ra khó khăn cho địa phương, nên cần giao cho một đầu mối, tổ chức cứu trợ trực tiếp. Trong dự thảo hiện chưa nói đến điều này.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nêu thực trạng: Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh về biến đối khí hậu, mỗi năm có hàng trăm người chết vì thiên tai, thiệt hại về kinh tế cũng rất lớn. Vì thế cần rất quan tâm hệ thống cảnh báo sớm, và nâng cao ý thức cộng đồng.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) thì đề cập đến việc các chủ đầu tư, doanh nghiệp cần mua bảo hiểm phòng chống thiên tai cho người lao động. ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (ĐakNông) đóng góp ý kiến vào kế hoạch phòng chống thiên tai, bà Hạnh đề nghị đưa nội dung phòng chống thiên tai cấp huyện nhập vào với cấp tỉnh thì phù hợp và kịp thời hơn là nhập với cấp quốc gia, cấp bộ.

Dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan dự báo, cảnh báo thiên tai, nội dung dự báo, cảnh báo và việc dự báo, cảnh báo được thực hiện theo Quy chế dự báo, cảnh báo của Thủ tướng Chính phủ (khoản 3 và 5, điều 24); quy định về xử lý vi phạm (điều 44).

Khi các cơ quan dự báo, cảnh báo thiên tai thực hiện không đúng quy định về dự báo, cảnh báo; dự báo, cảnh báo sai gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định tại điều 44 của dự thảo luật và các quy định của pháp luật có liên quan.

(Trích báo cáo giải trình của UBTVQH về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai)