Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý vào hồ sơ xây dựng đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Đề xuất đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở

Đề xuất đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở

Theo dự thảo tờ trình về việc phê duyệt đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, phân luồng, liên thông trong giáo dục là một xu thế của thời đại, là một chiến lược quan trọng để phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia, tạo ra cơ hội học tập không ngừng, học suốt đời cho mọi công dân.

Phân luồng học sinh sau trung học thực chất là nâng cao hiệu quả giáo dục, hiệu quả xã hội, không những không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của học sinh mà còn đa dạng hoá phương thức học, luồng học cho người học, tạo điều kiện thích hợp cho nhiều người học và cho cả việc học lên trình độ cao hơn của học sinh.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc phân luồng đã được các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ sở giáo dục quan tâm. Tuy nhiên đến nay, việc phân luồng học sinh sau trung học, nhất là sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp vẫn đang là những rào cản, điểm nghẽn lớn trong đào tạo nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS là một nhu cầu cần thiết nhằm hình thành một mô hình đào tạo mới, vừa đào tạo nghề ở trình độ cao đẳng, vừa giảng dạy văn hóa trung học phổ thông cho học sinh, tăng cường tính mở, liên thông, linh hoạt, góp phần đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất mô hình đào tạo thí điểm cụ thể như sau: Mô hình đào tạo được thiết kế làm 3 giai đoạn, có tính liên thông, giúp người học thuận tiện trong việc học tập và lấy văn bằng, chứng chỉ ở mỗi giai đoạn: Giai đoạn 1: Thời gian đào tạo 2 năm; giai đoạn 2: Thời gian đào tạo 1 năm; giai đoạn 3: Thời gian đào tạo 2 năm. Đầu vào của chương trình là học sinh tốt nghiệp THCS có loại khá trở lên; có nhiều đầu ra tương ứng với từng giai đoạn.

Chương trình được thiết kế bảo đảm cho người học vừa được học văn hóa THPT đồng thời với việc học nghề; kiến thức văn hóa giảm dần theo thời gian; kiến thức kỹ năng nghề nghiệp tăng dần theo thời gian.