Đề xuất nới lỏng quy đinh về thời gian làm thêm

ANTD.VN - Tại Hội thảo tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 21-9, nhiều doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi quy định về thời gian làm thêm theo hướng: nới lỏng giờ làm thêm cho người lao động hoặc áp dụng giờ làm thêm linh hoạt đối với một số trường hợp đặc biệt.

Đây là lần thứ 4 Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sơ kết đánh giá việc thực thi Bộ luật Lao động năm 2012 để có cơ sở thực tiễn, kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Tại hội nghị đại diện các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về những điểm chưa phù hợp, nêu lên những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, đặc biệt là những quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tăng thời gian làm thêm, tiền lương…

Theo Phó ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ngô Chí Hùng, trong quá trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, hầu hết doanh nghiệp đều vi phạm quy định về thời giờ làm thêm. Lý giải nguyên nhân sai phạm trên ông Ngô Chí Hùng phân tích, thực tế cả người lao động, doanh nghiệp đều mong muốn có thêm thu nhập và lợi nhuận. Các doanh nghiệp hoạt động ngành nghề may mặc, chế biến thủy sản làm hàng xuất khẩu thường bị động về thời gian với bên đặt hàng gia công. Vào những dịp cao điểm, doanh nghiệp phải tăng ca, nhưng nếu như vậy tất yếu sẽ vi phạm quy định về giờ làm thêm.

 Nhiều lao động muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập

Hiện nay pháp luật lao động quy định, số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong ngày, không quá 30 giờ trong tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Tuy nhiên, theo bà Đào Thị Thu Huyền đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn chưa linh hoạt, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, khi sửa đổi Bộ luật Lao động lần này cần nới lỏng thời gian làm thêm đối với lao động phổ thông lên 400-500 giờ/năm; đồng thời cho phép áp dụng làm thêm giờ linh hoạt trong một số điều kiện đặc biệt tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp đưa ra vấn đề thời giờ làm thêm chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn lao động sản xuất. Để tạo môi trường sản xuất thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, dự luật sửa đổi sẽ xem xét quy định về thời giờ làm thêm một cách linh hoạt; việc sửa đổi, bổ sung phải tiến hành theo hướng đảm bảo sự phát triển hài hòa của quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và chủ sử dụng lao động.

Theo ông Hà Đình Bốn Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động là việc làm cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động. Những vướng mắc trong quá trình thực hiện sẽ được bộ tập hợp, xem xét đưa vào dự luật. Bộ LĐ-TB&XH đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo luật, chậm nhất trong tháng 11-2016 sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Dự kiến, dự án sửa đổi, bổ sung sẽ được trình Quốc hội khóa XIV thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, thông qua vào Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017).