Đề xuất mới nhất về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra cấp tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo dự kiến, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp nhận chức năng thanh tra của các Thanh tra Bộ; Thanh tra cấp tỉnh sẽ tiếp nhận chức năng thanh tra của các Thanh tra cấp sở.

Về việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự thảo Luật quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như Luật hiện hành.

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật vì phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, nhất là việc thu gọn hệ thống cơ quan thanh tra sau sắp xếp. Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về sự phù hợp, tính khả thi của việc áp dụng chung một trình tự, thủ tục đối với hoạt động thanh tra mà về bản chất bao gồm 2 loại, đó là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, hiện đang được Luật hiện hành quy định thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau…

Về hệ thống cơ quan thanh tra, Điều 7 của dự thảo Luật quy định về hệ thống cơ quan thanh tra, trong đó có: Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra khác theo quy định của Chính phủ; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với cách quy định như dự thảo Luật.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 8-5

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 8-5

Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh, theo Kết luận số 134-KL/TW thì sau khi thực hiện sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp nhận chức năng thanh tra của các Thanh tra Bộ; Thanh tra tỉnh sẽ tiếp nhận chức năng thanh tra của các Thanh tra cấp sở.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật (như “Thanh tra các vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ”, “Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ, cơ quan ngang Bộ đại diện chủ sở hữu”) và vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh đang kế thừa quy định của Luật hiện hành là chưa thực sự bám sát những đổi mới trong tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra vì các quy định đó chỉ phù hợp với bối cảnh ở các Bộ có Thanh tra Bộ, ở một số sở chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổ chức cơ quan thanh tra.

Do đó, đề nghị rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh trong dự thảo Luật để chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp.

Về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, với việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương, thì có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, ngoài ra cũng có thể chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động này để tạo thuận lợi trong thực hiện, bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát.