Đề xuất mới nhất về bảo vệ người tố cáo tham nhũng trong ngành kiểm sát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại dự thảo quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực, Viện KSNDTC đã đề xuất các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khoẻ, tài sản… người tố cáo.

Theo Dự thảo, người tố cáo tham nhũng trong ngành Kiểm sát được bảo vệ gồm người tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực gửi đến ngành Kiểm sát nhân dân (qua hình thức phản ánh trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính); Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng trong ngành Kiểm sát bao gồm: Bảo vệ bí mật thông tin; trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ; Bảo vệ vị trí công tác, việc làm; Bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm.

Ngoài ra, Dự thảo còn đề xuất, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng trong ngành Kiểm sát gồm:

Cơ quan công an các cấp, được quy định tại Điều 5 Thông tư 145/2020/TT-BCA đối với trường hợp cần bảo vệ người tố cáo về tham nhũng, tiêu cực không bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm;

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được quy định tại Điều 4 Thông tư 03/2020/TT-BNV đối với trường hợp người tố cáo về tham nhũng, tiêu cực là cán bộ, công chức, viên chức;

UBND các cấp, được quy định tại Điều 6 Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH đối với trường hợp người tố cáo về tham nhũng, tiêu cực là người làm việc theo Hợp đồng lao động;

Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân đối với đơn tố cáo của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Về thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng, việc áp dụng biện pháp bảo vệ bí mật thông tin theo quy định tại Điều 56 Luật Tố cáo 2018.

Trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân thì khi tiếp nhận văn bản đề nghị áp dụng, xét thấy có căn cứ, Viện kiểm sát nhân dân quyết định áp dụng theo quy định. Nếu thấy không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết thì thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho người đề nghị biết.

Trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân thì hướng dẫn hoặc tiếp nhận và chuyển văn bản đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp, theo quy định tại Điều 57 Luật Tố cáo 2018; Điều 6 Thông tư 03/2020/TT-BNV; Điều 6 Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH.

Việc chuyển văn bản đề nghị được gửi đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để biết, phối hợp, giám sát thực hiện.

Về thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, khi có văn bản đề nghị của người được bảo vệ, Viện kiểm sát nhân dân hướng dẫn hoặc tiếp nhận và chuyển đến cơ quan công an có thẩm quyền áp dụng theo quy định.

Việc chuyển văn bản đề nghị được gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để biết, phối hợp, giám sát thực hiện.