Thời gian qua, đã có nhiều quyết định, nghị quyết về kê khai tài sản, song do kết quả chưa được công khai nên đã dẫn tới sự thiếu minh bạch. Nhiều ý kiến cho rằng, kê khai tài sản cán bộ xong rồi cất vào tủ thì có kê khai cũng... như không. Cán bộ kê khai có đúng hay còn gian dối thì cũng khó mà biết được.
Chưa kể, có hiện tượng chuyển dịch tài sản, thậm chí tài sản bất minh, tham nhũng được “hóa phép” thành tài sản của vợ hoặc chồng, con cái hay người thân trong gia đình. Việc tăng thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo dõi, thẩm tra kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là một kênh giám sát, kiểm soát hiệu quả tài sản Nhà nước bị “biến hóa”, thất thoát.
Hơn thế, quy chế này còn có tác dụng “khoanh vùng” việc kê khai tài sản có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đã là công chức thì phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý Nhà nước. Đã là Đảng viên thì phải chịu trách nhiệm trước cơ quan của Đảng. Nếu thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì cán bộ tất nhiên phải được quản lý bởi Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nếu làm mạnh, làm nghiêm, dư luận hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, sẽ khống chế được việc kê khai tài sản của người đương chức, kể cả những người về hưu coi như “hạ cánh an toàn”. Con đường đi của tài sản bất minh bao giờ cũng lắt léo, phức tạp, nhưng cùng với Luật Phòng, chống tham nhũng, việc bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể coi là sự “tiếp sức” mạnh mẽ trong công tác phòng chống tham nhũng.
Mục đích kê khai tài sản là để xem người kê khai có tài sản bất minh hay không. Nếu kê khai mà không công khai thì sẽ chẳng có ý nghĩa, tác dụng gì. Người dân có quyền đặt câu hỏi, không công khai có phải là vì tài sản đó có vấn đề nên mới phải giấu giếm, che đậy. Càng công khai minh bạch bao nhiêu, nhân dân càng có cơ hội giám sát bấy nhiêu và đó là những "tai, mắt" quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm tham nhũng.