Để người dân Đường Lâm thực sự là chủ di tích

ANTĐ - Tại cuộc làm việc kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm (ngày 21-5-2013), đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị,   Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nêu 7 nhóm giải pháp quan trọng.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, cần tiếp tục lắng nghe, đối thoại với người dân ở Đường Lâm, nghe cả ý kiến của người đồng tình và không đồng tình. Việc gì chưa tốt, chưa đúng, chưa phù hợp thì dù chỉ là một ý kiến cũng phải cố gắng giải quyết trong khả năng và thẩm quyền.

Thứ hai, cần mạnh dạn phân cấp, trao quyền cho cấp dưới để giải quyết kịp thời yêu cầu, đòi hỏi trong cuộc sống hàng ngày của người dân và cơ sở; đồng thời, cấp trên tích cực xem xét, giải quyết những việc phức tạp, việc khó mà cấp dưới báo cáo, đề xuất; không nên gộp nhiều việc nhỏ, việc bức xúc vào rồi mới bàn một lượt.

Thứ ba, UBND xã Đường Lâm tiếp tục làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, vận động để người dân hiểu, tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy giá trị di tích. Hàng ngày, người dân sống trong lòng di tích tạo nên các giá trị vật thể và phi vật thể; tách người dân ra khỏi làng thì sẽ không còn ý nghĩa “di sản sống” như chúng ta đang chủ trương bảo tồn. Chính vì vai trò hết sức quan trọng của người dân nên cần có các chính sách đặc thù. 

Thứ tư, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của di tích, phải thực hiện theo phương châm: Di tích này là của dân thì phải do dân và vì dân. Bởi vậy, phải làm sao để người dân Đường Lâm thực sự là chủ di tích và ý thức đầy đủ trách nhiệm của chủ di tích. Về phương thức bảo tồn, nên cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn, chặt chẽ hơn về phạm vi không gian bảo tồn, đối tượng bảo tồn. Không thể áp dụng nhất loạt cho toàn bộ xã Đường Lâm tất cả những điều lệ, quy chế, quy định cho từng ngôi nhà, từng công việc cụ thể. 

Thứ năm, trên cơ sở Ban quản lý di tích hiện có, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đại diện của người dân Đường Lâm. Đại diện của xã phải nói được tiếng nói của chính quyền, đoàn thể và đông đảo người dân, chứ không phải chỉ tham gia với tư cách cá nhân. 

Thứ sáu, về cơ chế tài chính, UBND thị xã Sơn Tây có đề nghị hơn 500 tỷ đồng cho việc đầu tư vào bảo tồn và triển khai dự án giãn dân ở Đường Lâm. Đây là một đề nghị không khả thi. Hà Nội có hơn 2.000 di tích đã được xếp hạng. Nếu di tích nào cũng đề nghị như vậy thì biết lấy nguồn từ đâu. Nguồn thu thường xuyên và lâu dài phải lấy di tích nuôi di tích, thông qua bán vé, tham quan và các hoạt động dịch vụ... Phải công khai, minh bạch nguồn thu cho người dân biết. UBND TP sớm nghiên cứu, chỉ đạo việc cho phép tăng giá vé tham quan di tích. Nguồn tài chính thứ hai là ngân sách các cấp, trong đó ưu tiên cho những di tích trọng điểm. Nguồn thứ ba là xã hội hóa, kêu gọi, vận động tập thể, cá nhân tài trợ, đóng góp tự nguyện. Phải có cả 3 nguồn này mới đảm bảo cho di tích sống, tồn tại và phát triển được.

Thứ bảy, về chủ trương đề nghị công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận, cần làm từng bước thận trọng, có lộ trình, không nên khuyến khích việc chạy theo danh hiệu. Lộ trình đề nghị nâng hạng di tích phải trên cơ sở của 2 nguyên tắc: phải tập trung ưu tiên tháo gỡ cho được những vướng mắc đang còn tồn tại; và phải được sự đồng thuận của người dân.