Đề nghị mở rộng bảo hiểm thất nghiệp

ANTĐ - Ngày 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến dự án Luật Việc làm. Theo đó, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đề nghị mở rộng bảo hiểm thất nghiệp ảnh 1
Cần cân nhắc kỹ đề xuất mở rộng bảo hiểm thất nghiệp 
(Ảnh minh họa)

Xung quanh Luật Việc làm, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành phần lớn những đề xuất của Chính phủ; trong đó có việc bổ sung chính sách mới là chương trình việc làm công. Chương trình sẽ do Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ và tạm thời ở khu vực nông thôn thông qua các chương trình, dự án ở các địa phương.

Đáng lưu ý, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã cho ý kiến về chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đây là chính sách bảo hiểm ngắn hạn, nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, đồng thời hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm mới phù hợp, sớm đưa họ trở lại làm việc. Dự thảo dự kiến chuyển các quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội về dự án Luật Việc làm. Nội dung quy định BHTN trong dự thảo Luật Việc làm về cơ bản kế thừa các quy định của chế độ BHTN; đồng thời, bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề đối với người lao động trong thời gian đang đóng BHTN nhằm thực hiện chính sách phòng ngừa rủi ro cho người lao động; mở rộng phạm vi áp dụng cho đối tượng là người lao động không có quan hệ lao động. 

Đồng tình với việc sắp xếp theo hướng này, đồng thời tán thành mở rộng đối tượng tham gia BHTN, song Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý, việc mở rộng và quản lý các đối tượng tham gia BHTN đối với khu vực không có quan hệ lao động là khá phức tạp và quỹ BHTN dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu - chi, khả năng quản lý đối tượng hạn chế.

Khuyến nghị thận trọng và tính toán kỹ tác động đến cân đối ngân sách cũng được bà  Trương Thị Mai và nhiều thành viên UBTVQH đưa ra khi cho ý kiến về quy định hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho Quỹ BHTN (bên cạnh trách nhiệm đóng BHTN của người lao động và người sử dụng lao động, dự thảo Luật quy định Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN và giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước). Giải pháp được Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề xuất là trong thời kỳ đầu, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần cho người lao động để chính sách đi vào cuộc sống, nhưng khi chính sách BHTN đã ổn định, ngân sách nhà nước sẽ không hỗ trợ thường xuyên cho quỹ này nữa. Trường hợp Quỹ bội chi thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần còn thiếu. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra đánh giá tình hình việc làm hiện nay ở mọi khu vực (cả nông thôn và thành thị), mọi lĩnh vực ngành nghề (cả lao động phổ thông và lao động trí óc) để xây dựng chính sách phù hợp cho từng loại hình việc làm. Chủ tịch Quốc hội  guyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Phải xem xét tính khả thi của các chính sách liên quan đến ngân sách, tránh bày ra nhiều loại quỹ”. 

Chiều 11-4, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Liên quan đến một nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến là Quỹ  Phòng, chống thiên tai, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, vấn đề này nên giao Chính phủ quy định cụ thể về phương thức đóng góp, mức đóng góp, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng đóng góp.

Cũng trong chiều 11-4, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).