Đề nghị giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam

ANTĐ - Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu và quốc hiệu.

Có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
(Ảnh minh họa)

Đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên tên nước

Chiều 20-5, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội (QH), Uỷ viên Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Ủy ban DTSĐHP), Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo đó, từ ngày 2-1-2013, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân, đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tính đến nay, đã có 26.091.000 lượt ý kiến góp ý của nhân dân.

Một số nội dung quan trọng, nhận được nhiều ý kiến quan tâm như về tên nước có 2 loại ý kiến, đa số đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng Tám năm 1945.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là nhà nước dân chủ.

Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý

Không quy định đa sở hữu về đất đai

Về sở hữu đất đai, loại ý kiến thứ nhất (đa số ý kiến) tán thành với quy định của dự thảo. Loại ý kiến này cho rằng quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý... thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp. Trong khi đó loại ý kiến thứ hai đề nghị đa dạng hóa sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tập thể, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân về đất ở. Loại ý kiến này cho rằng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là không rõ về chủ thể sở hữu.

Loại ý kiến thứ ba đề nghị tách thành hai điều, một điều quy định về sở hữu toàn dân, một điều quy định về sở hữu nhà nước, vì cho rằng, cần có sự phân biệt rạch ròi giữa đất đai là tài nguyên quốc gia- thuộc sở hữu toàn dân với những đất đai mà toàn dân đã giao cho Nhà nước- một chủ thể cụ thể quản lý, sở hữu.

Về vấn đề này Ủy ban DTSĐHP đã báo cáo QH: Quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý... thuộc sở hữu toàn dân là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay. Vấn đề sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội.

Để làm rõ hơn nội dung này, dự thảo đã xác định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai.

Cũng trong chiều nay, QH đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trình bày: Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các báo cáo thẩm tra của Uỷ ban tài chính, ngân sách của QH.