Để doanh nghiệp “dễ thở”

ANTĐ - Có hai sắc thuế hết sức quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng rất lớn không chỉ tới đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn tác động mạnh đến tiêu dùng của toàn xã hội. Đó là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Giới chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, trong tình thế khó khăn hiện nay, giảm thuế suất hai loại thuế chính là cách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất, đồng thời cải thiện được sức cạnh tranh của nước ta với các nước khu vực.

Theo một chuyên gia thuế quốc tế, so với các nước ASEAN, Việt Nam ở trong nhóm nước có mức thuế suất của hai loại thuế trên cao thứ ba. Trong khi đó, nhiều nước đã và đang có kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, khuyến khích tiêu dùng, xã hội. Đơn cử, Singapore - quốc gia có chính sách thuế lý tưởng nhất đã giảm từ 26% (năm 2000) xuống còn 17% hiện hành.

Hiện tại, Đài Loan (Trung Quốc) có thuế suất 23% và dự kiến giảm còn 20% vào năm 2013. Còn Việt Nam, cả hai sắc thuế có mức thuế suất tới 30%. Dự án sửa đổi bổ sung cả hai luật thuế quan trọng này sẽ được trình Quốc hội vào năm 2013 và phải đợi đến năm 2014 mới có thể áp dụng. Một thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, cải cách chính sách thuế là vấn đề phức tạp, có tác động đan xen đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Thuế, Phòng Thương mại châu Âu hoan nghênh Việt Nam đã có thay đổi tích cực khi giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp trong năm 2009. Dẫu vậy, Việt Nam nên giảm từ 25% hiện nay xuống 20% càng sớm càng tốt, bỏ hẳn mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%. Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng đồng tình cho rằng, trong giai đoạn doanh nghiệp đối mặt với vô vàn khó khăn, nhà nước nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20%, không “đủng đỉnh” đi từng bước xuống mức 23%, rồi 22% như dự thảo luật sửa đổi thuế. Cần xem lại việc tính thuế với hàng hóa nhập khẩu, khấu hao tài sản, xác định chuyển lỗ, chi phí lãi vay… Đặc biệt, chính sách thuế và quản lý thi hành chính sách phải đảm bảo thu đúng, thu đủ. Một tổng giám đốc công ty thương mại phản ánh, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu phải chịu 100% thuế nhập khẩu nên giá thành đội lên tới 200%. Sau đó, lại phải chịu 40% thuế tiêu thụ đặc biệt, cuối cùng cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng mà người tiêu dùng phải chịu. Chưa hết, các doanh nghiệp còn phải chịu nhiều loại chi phí tăng cao, nhất là lãi vay ngân hàng. Thế nhưng một số khoản chi như “hoa hồng”, môi giới không được hạch toán vào chi phí sản xuất.

Một chuyên gia kinh tế cấp cao khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, tốt nhất nên giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20%, nếu được mức 17% thì càng tốt để “khoan thư” sức doanh nghiệp và để họ “dễ thở”, có nguồn lực tái đầu tư.