Dễ biến mình thành con nợ

ANTĐ - Với ưu điểm tiện lợi khi mua hàng, “tiêu tiền trước, thanh toán sau”, đăng ký dễ dàng, những chiếc thẻ tín dụng (TTD) đang khiến nhiều người trở thành “con nợ” của ngân hàng. Điều đáng nói, khi đăng ký, nhiều khách hàng lại không hề biết đến các quy định về mức phí dẫn đến không ít hệ lụy.

Dễ biến mình thành con nợ ảnh 1
Nếu không biết cách cân đối chi tiêu, khách hàng có thể biến mình thành con nợ
của ngân hàng từ chính những chiếc thẻ tín dụng (Ảnh minh họa)


Nợ ngập đầu vì thẻ tín dụng

Thời gian gần đây chị Thu Trang- nhân viên một công ty tổ chức sự kiện nhận được khá nhiều cuộc điện thoại từ các ngân hàng chào mời mở TTD. Với điều kiện mở thẻ đơn giản, cho vay trong vòng 45 ngày không tính lãi, cộng với việc ngân hàng thường kết hợp với nhà bán lẻ khuyến mãi, giảm giá hoặc tích lũy điểm thưởng cho người chi trả bằng TTD,… nên chị Trang đã vội vàng đồng ý, bất chấp khả năng tài chính của mình chỉ ở mức trung bình. Mặc dù, chị Trang thừa nhận TTD khá tiện lợi trong việc mua sắm nhưng cũng vì sẵn có những chiếc thẻ này trong ví nên không ít lần chị đã chi tiêu quá tay. Hơn nữa, khi đăng ký sử dụng TTD chị Trang  không hề biết đến mức phí thường niên và các loại phí khác khiến chị gặp không ít phiền toái. “Khi làm thẻ, nhân viên ngân hàng chỉ đưa cho tôi tờ khai để điền vào đó nhưng lại không nhắc đến mức phí khi sử dụng thẻ. Bẵng đi một thời gian không sử dụng, gọi điện đến số tổng đài của ngân hàng để kiểm tra tôi mới biết mình đã nợ phí thường niên 350.000 đồng/năm từ tháng 4 đến nay, cộng cả tiền lãi và tiền trả chậm tôi phải trả gần 2.000.000 đồng”- chị Trang than phiền. 

Thông thường để sở hữu những chiếc TTD, khách hàng chỉ cần nộp CMND, sổ hộ khẩu, sao kê bảng lương 3 tháng gần nhất,… là được cấp thẻ sau 5-7 ngày với hạn mức tùy theo thu nhập hàng tháng. Nhiều ngân hàng quy định mức thu nhập tối thiểu để được trở thành chủ TTD là 7 triệu đồng/tháng với hạn mức chi tiêu 20 triệu đồng/tháng, nhưng cũng có ngân hàng chỉ cần thu nhập 5 triệu đồng/tháng là được mở thẻ. Mỗi khách hàng có thể sở hữu nhiều loại thẻ khác nhau tại cùng một ngân hàng và tất nhiên có quyền đồng thời mở thẻ ở ngân hàng khác.

Bên cạnh đó, khi sử dụng TTD, khách hàng cũng phải đóng các loại phí như phí thường niên khoảng từ 300.000 - 350.000 đồng/thẻ/năm (tùy loại), chủ thẻ phải trả nhiều loại phí khác như phí truy vấn hạn mức, phí cấp lại mã pin, phí quản lý tài khoản, phí rút tiền mặt,… Tuy nhiên, phần lợi nhuận lớn đem lại cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ lại chính là lãi suất. Lãi suất tiết kiệm hiện nay là 7% nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng qua thẻ có ngân hàng lên đến 2,15%/tháng. Ngoài ra, phí trả chậm từ 4-6% trên số tiền thanh toán tối thiểu, nhưng mức thu tối thiểu cho mỗi lần trả chậm là 80.000 – 200.000 đồng/tháng...

Nên quản lý tài khoản cá nhân

Sử dụng TTD là dịch vụ thanh toán văn minh và tiện ích hiện nay. Việc khuyến khích sử dụng TTD của các ngân hàng là chính đáng nhưng không phải khách hàng nào cũng phù hợp sử dụng TTD. Ông Hoàng Đình Thắng, chuyên gia tài chính một ngân hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết, do đây là hình thức vay nợ “tiêu trước, trả sau” nên rất dễ dẫn đến tâm lý chi tiêu thoải mái. Do đó, người tiêu dùng cần tính toán kỹ khả năng trả nợ, vì nếu không thanh toán được đúng hạn, thì sẽ phải chịu mức lãi suất khá cao. Trường hợp khách hàng có thu nhập ở mức 5-7 triệu/tháng, hoặc phải trả trên 50% thu nhập sẽ là rất nguy hiểm khi sử dụng TTD vì có thể đẩy mình vào tình trạng nợ nần. 

Bên cạnh đó, do rơi vào hoàn cảnh tài chính khó khăn, khoản thanh toán đến hạn trở nên quá sức nên không ít người đã tìm đến dịch vụ đáo hạn được quảng cáo trên trên mạng internet để tránh phải trả nợ gốc mà vẫn giữ được quan hệ với ngân hàng. Theo đó, lãi suất đáo hạn cho các hạn mức thẻ dưới 15 triệu đồng là 3,5%/tháng, 15-50 triệu đồng là 3%, trên 50 triệu đồng là 2,8%. Chị Nguyễn Thu Hương, ở quận Đống Đa cho hay, nếu chỉ vay tạm một vài tháng thì đây là mức lãi suất có thể chịu được nhưng với khách hàng không đủ tiền trả nợ gốc, tháng nào cũng giật gấu, vá vai, nhờ đáo hạn thẻ thì sẽ phải chịu lãi suất cắt cổ. 

Ông Nguyễn Văn Quang- một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính cho rằng trong hợp đồng mở TTD, ngân hàng chỉ giao dịch với chủ thẻ nhưng người nộp tiền trả nợ vào tài khoản thẻ có thể là người khác. Trên thực tế, xu hướng sở hữu nhiều thẻ, chi tiêu hết hạn mức đang biến nhiều người thành nạn nhân của tín dụng đen ngay trong quan hệ vay mượn với ngân hàng. Do vậy, để sử dụng TTD hiệu quả, trước hết chủ thẻ phải biết quản lý tài khoản cá nhân, nên trả các khoản phí TTD trước khi đáo hạn để tránh phí chậm trả, tốt nhất là trả toàn bộ dư nợ để không bị tính lãi suất. Mặt khác, cần tránh rút tiền mặt để né lãi suất cao và giới hạn số lượng thẻ để tránh phải trả quá nhiều khoản phí.