ĐBQH: Tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập của Việt Nam đứng thứ 14 trên 107 nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa dẫn một số liệu thống kê cho thấy, giá nhà ở tại Việt Nam cao gấp 23,5 lần thu nhập một năm của hộ gia đình, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập đứng thứ 14 trên 107 nước được khảo sát…
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) góp ý tại hội nghị

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) góp ý tại hội nghị

Chiều nay, 29-8, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đóng góp ý kiến tại đây, nhiều ĐBQH đề nghị cần bổ sung quy định để đảm bảo mọi công dân đều có quyền về chỗ ở.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, để đạt được mục tiêu này, cần đánh giá lại các thủ tục hành chính được bổ sung trong dự thảo Luật. Theo ông Nghĩa, trang web chuyên thống kê về chỉ mức sống trên thế giới cho thấy, năm 2023, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập của Việt Nam đứng thứ 14 trong tổng số 107 quốc gia được khảo sát, đứng thứ 11 trong tổng số 38 quốc gia khu vực châu Á.

Theo đó, tính bình quân, giá nhà ở Việt Nam gấp 23,5 lần thu nhập một năm của hộ gia đình. Trong khi đó, chỉ số này sẽ lý tưởng ở mức từ 5-7 lần.

“Thủ tục đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí, dẫn đến giá nhà tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, dẫn đến nhà ở khu vực này vượt khỏi tầm với của đa số người dân...” – đại biểu Nghĩa phân tích.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) phản ánh, người Việt Nam từng có câu “an cư lạc nghiệp” để nói lên ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nhà ở hay chỗ ở đối với mỗi người dân. Điều này cũng được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định cụ thể về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở của công dân, đặc biệt chưa có những quy định cụ thể về vai trò trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo mọi công dân đều có quyền chỗ ở hợp pháp.

Do vậy, đại biểu đề nghị tại Điều 4 về chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở và tại Điều 5 yêu cầu chung về phát triển quản lý sử dụng nhà ở bổ sung vai trò trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo công dân được thực hiện quyền này.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) đề nghị cần làm rõ hơn các nguyên tắc liên quan đến Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó nên có nguyên tắc nhà ở phát triển đi theo với quy mô phát triển dân số và quá trình đô thị hóa.

Dẫn chứng về các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần lưu ý sự biến động dân số gắn với đô thị hóa.

Một nguyên tắc nữa được ông Nhân đề nghị bổ sung, đó là phát triển nhà và cung cấp nhà cho người dân cần gắn với thu nhập thực tế của người dân.

Đại biểu cũng đề nghị bỏ khái niệm “nhà lưu trú”, nên sử dụng là “nhà ở xã hội”, nhà ở xã hội dành cho công nhân; và không nên để nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân đặt trong khu công nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) phát biểu

Cũng liên quan đến nội dung về đảm bảo quyền nhà ở, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) góp ý, cần có quy định riêng bảo đảm chế độ về nhà ở cho lực lượng vũ trang. Theo bà Xuân, đây là lực lượng đặc thù, vì vậy, trước hết cần xác định phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang là trách nhiệm của Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu Xuân đề nghị nghiên cứu hiệu chỉnh theo hướng là lực lượng vũ trang được ưu tiên mua thuê, mua nhà ở xã hội; được ưu tiên vay vốn để mua thuê, mua nhà ở xã hội và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Về kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang, đại biểu đề nghị là cần nghiên cứu theo hướng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.