ĐBQH: Cần quy định rõ biện pháp bảo đảm quyền tác giả cho người khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị quy định cụ thể về trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật.

Quyền tác giả cho người khuyết tật phải được bảo đảm

Thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Dương Khắc Mai đánh giá việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động chính sách, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát thực tiễn, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật, đại biểu đề nghị cần làm rõ đây có phải là nghĩa vụ bắt buộc mà điều ước quốc tế yêu cầu cầu quốc gia thành viên phải ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức này khi áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật hay không?

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu thảo luận

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu thảo luận

Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm các biện pháp cần thiết là gì, có tăng thêm gánh nặng cho các tổ chức hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật trong việc phải có nguồn lực để thực thi các biện pháp này hay không?

Về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, việc quy định nội dung này vào dự thảo Luật, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta cũng như phù hợp với Hiệp ước Marrakesh về giới hạn và ngoại lệ cho khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường mà Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập.

Tuy nhiên, với đối tượng là tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ được hưởng ngoại lệ để hỗ trợ thực hiện việc sao chép, phân phối, chuyển đợt, bản sao các tác phẩm dưới định dạng, dễ tiếp cận.

Để đảm bảo quy định được thực thi có hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền nhằm thu lợi, dự thảo Luật cần quy định rõ các tổ chức này là các tổ chức có nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ chuyên biệt liên quan đến đào tạo, giáo dục hoặc nhu cầu đọc, tiếp cận thông tin thích ứng cho người khuyết tật. Đồng thời, quy định rõ các biện pháp bảo đảm các tổ chức này có trách nhiệm trong thực thi quyền tác giả, quyền liên quan - Đại biểu Hải Anh nhấn mạnh.

Làm rõ quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả

Về quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) đề nghị dự thảo Luật làm rõ hơn phạm vi miễn trừ trách nhiệm cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tiền và trách nhiệm chi trả án phí, lệ phí trong trường hợp kiện ra tòa, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý khác nếu có xảy ra.

Về trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, đại biểu cho rằng những nội dung hướng dẫn cụ thể các trường hợp ngoại lệ có thể giao quy định chi tiết, đồng thời cũng có thể điều chỉnh linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, trên cơ sở phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) đề nghị làm rõ quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) đề nghị làm rõ quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả

Cùng tham gia thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP. Hà Nội) đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra luật.

Để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị Quốc hội rà soát, nghiên cứu để xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả, triệt để hơn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.