Dạy con kiểu Việt hay kiểu Pháp đều có những ưu điểm

ANTĐ - Không ít người mẹ Việt Nam hiện đại "sính" cách nuôi con kiểu Tây như Pháp, Mỹ. Họ học cách cho bé mới sinh ngủ giường riêng, thậm chí phòng riêng...

Không ít người mẹ Việt Nam hiện đại "sính" cách nuôi con kiểu Tây như Pháp, Mỹ. Họ học cách cho bé mới sinh ngủ giường riêng, thậm chí phòng riêng... vì cho rằng như vậy sẽ rèn luyện sự tự tin, độc lập cho bé. Nhưng dạy con kiểu Pháp có thực hoàn hảo như mẹ Việt vẫn nghĩ? Cách nuôi dạy con của Việt Nam có những ưu điểm nào? TS tâm lý học Marie-Eve Hoffet-Gachelin (Chủ tịch Hiệp hội tâm lý Pháp Việt) đã chia sẻ với PVĐSGĐ những khám phá thú vị khi quan sát trẻ em Việt Nam và trẻ em Pháp từ 0-2 tuổi trong công trình nghiên cứu mới đây của mình.

Cho bé sơ sinh ngủ chung cũng có điểm tích cực

- PV: Được biết, trong nghiên cứu của mình, bà đã quan sát cả trẻ em Việt lẫn trẻ em Pháp từ khi mới sinh ra đến lúc bé 2 tuổi. Bà phát hiện ra những khác biệt gì?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Rất nhiều khác biệt. Vừa mới chào đời, em bé Việt được một người "vía tốt" bế, trao cho bố mẹ, ông bà, họ hàng. Bé được đón nhận bởi toàn thể gia đính lớn. Sau khi về nhà, bà ngoại bé đến giúp chăm cháu, "chiếm" luôn vị trí của người bố trong phòng bé khoảng 1 tháng.

Ở Pháp, ông bố đã có mặt bên cạnh bà mẹ trong suốt quá trình sinh nở. Từ bệnh viện về, bé sẽ được đưa thẳng vào phòng riêng, hoặc giường riêng. Chỉ có bố mẹ chăm con là chủ yếu, ít cậy nhờ ông bà.

Dạy con kiểu Việt hay kiểu Pháp đều có những ưu điểm ảnh 1

- PV: Bà nghĩ như thế nào về việc đứa trẻ ở Việt Nam được chào đón, chăm sóc bởi cả gia đình, họ hàng?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Điều này rất tuyệt vời. Nó giống như em bé mới sinh ra đã được ban tặng một thế giới an toàn, quan tâm và đầy thương yêu.

- PV: Nhiều mẹ Việt cũng đang học cách cho bé ngủ riêng như ở Pháp vì nghĩ rằng điều này sẽ rèn luyện sự tự lập cho bé. Bà nghĩ thế nào về điều này?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Việc người Pháp cho bé ngủ giường riêng, phòng riêng ngay từ đầu không gắn liền với ý đồ dạy con tự lập như nhiều người vẫn nghĩ. Nó bắt đầu bởi tâm lý sợ ngủ chung làm con chết ngạt từ thế kỷ thứ X ở đất nước chúng tôi.

Thực ra, bé vừa sinh ra ngay lập tức cho vào phòng riêng cũng không hẳn tốt. Môi trường lạ lẫm và nhiều tác động khá phức tạp với một em bé mới sinh. Đó là lý do các em bé sơ sinh ở Pháp khóc rất nhiều. Nhi khoa nói "khóc tốt vì giúp nở phổi" nhưng bạn thử tưởng tượng một em bé vừa chào đời một mình trong đêm tối, em bé có thực sự cảm thấy an toàn, thoải mái?

- PV: Theo như bà nói thì để bé mới sinh ngủ chung như ở Việt Nam cũng có cái hay?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Đúng vậy. Cho bé ngủ chung giường, cả nhà xúm vào quan tâm, chăm sóc rất tốt trong việc giúp bé cảm thấy an toàn, thích nghi dần dần, từ từ với môi trường xung quanh. Nhưng bé sẽ trở nên phụ thuộc, thiếu tự lập nếu đến 4, 5 tuổi vẫn ngủ với mẹ, phải ôm và ru bé mới chịu ngủ.

Bị ép ăn, nhồi nhét học trẻ sẽ mất hết hứng thú

- PV: Đó là chuyện ngủ. Vậy còn chuyện ăn, bà đã thấy cảnh những em bé đi rong để ăn, cả nhà làm xiếc để bé ăn hết bát chưa?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Tôi đã thấy, nhiều là khác. Thật là ngạc nhiên, cảnh này chưa từng có ở Pháp và các nước Tây phương. Mẹ Pháp không ép con ăn mà để bé ăn theo sở thích của mình. Bé được ăn các thức ăn riêng biệt, không nấu cháo thịt rau lẫn lộn, để nhận biết những mùi vị khác nhau. Bé được ăn trên ghế riêng, việc ăn uống diễn ra dễ dàng, không có khó khăn gì với mẹ.

- PV: Nhiều người mẹ Việt Nam quan niệm rằng: Chuyện ăn uống có ép buộc một chút cũng không sao cả, miễn là bé ăn được nhiều, khoẻ mạnh. Bà nghĩ sao về quan niệm này?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Việc ép ăn khi trẻ còn bé, cũng như việc nhồi nhét học khi trẻ lớn lên đều triệt tiêu hứng thú, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ

Ăn phải là việc khiến trẻ thích thú, trẻ cảm nhận được sự ngon miệng, biết mùi vị món ăn, từ đó biết trẻ thích món này, không thích món kia.

Dạy con kiểu Việt hay kiểu Pháp đều có những ưu điểm ảnh 2

- PV: Nhưng các bà mẹ sẽ nói: Con tôi rất gầy, nếu không ép chắc cháu chẳng chịu ăn tí nào và sẽ bị suy dinh dưỡng mất?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Nếu không bị ép, trẻ con sẽ rất thích ăn và tôi có thể khẳng định em bé đó sẽ không bao giờ bị suy dinh dưỡng cả.

- PV: Xung quanh việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ nhỏ của hai đất nước, TS còn phát hiện ra điều gì thú vị?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Một trong những điều thú vị nhất với tôi là cách "xi" con tè của người Việt (cười). Chỉ cần con ngọ nguậy, vặn mình hay có biểu hiện gì đó là ngay lập tức, mẹ bế con ra "xi". Có lẽ nhờ thế, nhiều em bé hơn 1 tuổi đã biết tự chủ vệ sinh, trong khi ở Pháp, các bà mẹ bất lực với chuyện này, phải nhờ cậy tới giáo viên.

- PV: Tại sao các bà mẹ Pháp lại đau đầu với chuyện dạy bé vệ sinh? Ở nước chúng tôi, điều này có vẻ rất tự nhiên, dễ dàng?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Bỉm là một tiến bộ giúp phụ nữ tự do, rảnh rỗi hơn nhưng phụ nữ Pháp lại quá lạm dụng. Các bà mẹ cho con đóng bỉm suốt ngày, tới tận 3 tuổi, sau đó thì mẹ loay hoay vì chẳng thể dạy con cách "báo hiệu” khi có nhu cầu, cách dùng bô. Điểm này mẹ Pháp phải học mẹ Việt.

Để con lớn lên an toàn và tự lập

- PV: Như bà đã chia sẻ tại một hội thảo về cách nuôi dạy con ở hai nước, trong khi người Pháp quá chú trọng rèn luyện tính tự lập, người Việt lại bao bọc, bảo vệ con quá mức. Điều này có ảnh hưởng gì đến sự phát triển, tính cách của con trẻ của hai nước?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Ảnh hưởng rất lớn. Tôi biết nhiều mẹ Việt khao khát con mình có được sự tự tin, tự lập của trẻ con Tây nhưng không biết đến mặt trái của nó. Nước Pháp chúng tôi đang phải đối mặt với một vấn nạn tồi tệ, đó là sự ơ hờ, không quan tâm, không hòa nhập với cộng đồng của giới trẻ. Đây là hệ lụy của cách nuôi dạy con quá chú trọng đến tự lập mà bỏ qua sự gắn kết với gia đình cộng đồng.

Ở Việt Nam, trẻ lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của gia đình lớn, cộng đồng nhưng lại gặp phải vấn đề khác: sự chăm sóc, bảo vệ thái quá. Tôi từng chứng kiến việc cha mẹ Việt vất vả chở đứa con học cấp 3 đến trường hàng ngày hoặc thuê taxi, xe ôm đưa đón. Tôi nghĩ đó là "an toàn quá đáng". Sự bao bọc, kiểm soát thái quá của cha mẹ Việt Nam sẽ khiến trẻ hoặc trở nên quá tự ti, nhút nhát, hoặc sẽ vùng lên chống đối cha mẹ.

- PV: Đó có thể là mâu thuẫn mà người Việt đang phải đối mặt. Họ muốn con mình độc lập, có thể đương đầu với cuộc sống phức tạp, nhưng lại sợ con không an toàn, dễ sa vào cạm bẫy?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Đúng vậy. Sự lo lắng của cha mẹ Việt là điều dễ hiểu. Việt Nam đang phát triển với tốc độ quá nhanh. Những người làm cha, làm mẹ có thể không bắt kịp và cảm thấy sợ hãi. Trước đây, 85% Việt Nam là nông thôn, trẻ con được bao bọc trong làng xã. Bây giờ, họ đối mặt với một thế giới mới rộng mở, sự thâm nhập của văn hóa Tây phương, internet với cả điểm tích cực lẫn tiêu cực. Vì lo sợ nên cha mẹ sẽ tìm cách kiểm soát con.

- PV: Vậy theo bà, làm sao để dạy con tự lập, trong khi vẫn giữ an toàn cho con?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Người Việt Nam coi trọng thứ bậc, sự hài hòa bởi thế giữa cha mẹ và con rất khó có sự đối thoại. Thiếu đi sự chia sẻ, trò chuyện thường xuyên nên bố mẹ không hiểu suy nghĩ, vấn đề con đang gặp phải. Con cũng không nhờ bố mẹ giúp đỡ khi gặp khó khăn. Hãy nhìn lại xem, bản thân cha mẹ có chia sẻ với con vấn để của mình không?

Trẻ em - ở đất nước nào cũng thế - thích được đối xử như người lớn. Hãy trò chuyện thường xuyên với con theo cách thoai mái, dù không ngang bằng tuyệt đối như bạn bè. Đối thoại với con về vấn đề an toan (từ đi đường, dùng internet đến an toàn tình dục khi con dậy thì...), về mọi nguy hiểm có thể xảy ra và cách phòng tránh.

- PV: Là một tiến sĩ tâm lý học, lại có thời gian dài nghiên cứu về cách nuôi dạy con giữa hai nước, bà có lời khuyên nào cho cha mẹ Việt Nam để giáo dục con tốt hơn?

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin: Các bậc cha mẹ ngày nay đứng trước thử thách lớn khi nuôi dạy con trong một thế giới mới, phức tạp và nhiều cạm bẫy. Nhưng họ cũng có cơ hội tìm hiểu, học hỏi nhiêu cách nuôi dạy con ở phương Đông lẫn phương Tây, từ Pháp Mỹ đến Nhật, Trung Quốc. Kết hợp những nét tích cực trong các cách nuôi dạy con có thể là chìa khoá giúp cha mẹ thời hiện đại nuôi dạy những đứa trẻ thành công, yêu thương và tự lập.

- PV: Xin cảm ơn TS về buổi nói chuyện thú vị!