Dấu hiệu phân biệt cúm B và sốt xuất huyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, những người có nguy cơ diễn biến nặng cần cẩn trọng.

Virus cúm có 2 type phổ biến là cúm A, cúm B. Cúm A có thể lây từ gia cầm, động vật sang người nên khó kiểm soát hơn, dễ gây thành đại dịch. Cúm B chỉ lây qua người với người nên việc kiểm soát nguồn lây dễ dàng hơn. Trước đây, khi nhắc đến các trường hợp biến chứng nặng thường nhắc đến cúm A, cúm B thông thường nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, gần đây một số nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ tử vong, biến chứng nặng của cúm B không phải kém so với cúm A, do vậy cũng cần phải đề phòng.

Những trường hợp sốt cao liên tục, có bệnh nền, trẻ nhỏ sốt cao co giật nên được theo dõi tại bệnh viện

Những trường hợp sốt cao liên tục, có bệnh nền, trẻ nhỏ sốt cao co giật nên được theo dõi tại bệnh viện

Phân biệt được cúm B với sốt xuất huyết

Hiện nay không chỉ cúm B, sốt xuất huyết và Covid-19 vẫn lưu hành song song với nhau. Các triệu chứng của những căn bệnh này đều có các biểu hiện gần giống nhau có sốt, viêm long đường hô hấp (hắt hơi, sổ mũi, đau họng), cảm giác ớn lạnh, đau mỏi người… Cả 3 căn bệnh này đều có các triệu chứng không đặc trưng nên bệnh nhân thông thường rất khó nhận biết, vì thế, có những trường hợp phải làm xét nghiệm mới xác định được bệnh. Tuy nhiên, mỗi bệnh cũng có những đặc trưng riêng. Cụ thể, sốt xuất huyết với người trẻ tuổi thường sốt cao 39-40 độ C, người già sốt có thể nhiệt độ thấp hơn. Thời gian sốt của bệnh sốt xuất huyết thường dài, có trường hợp sốt 5-7 ngày. Với cúm thời gian sốt ngắn hơn từ 3-5 ngày, nhiệt độ có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C.

Cúm B cũng như các loại virus khác có thể tự khỏi nếu thể trạng tốt và không có biến chứng. Tuy nhiên, nếu là cúm, đa phần bệnh nhân sẽ đau mỏi người nhiều, nhiều trường hợp đau người hơn bị Covid-19. Còn sốt xuất huyết thường đau người, mệt lả, li bì. Đặc trưng của cúm là có kèm theo viêm long đường hô hấp. Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết cũng bị viêm long đường hô hấp, nguyên nhân là do người bệnh đồng thời mắc cả sốt xuất huyết và viêm đường hô hấp trên, hoặc đồng thời mắc virus cúm.

Do vậy, người dân khi có các dấu hiệu sốt, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp, ớn lạnh nên đi làm xét nghiệm cho chắc chắn. Việc dựa vào các triệu chứng nhiều khi không đặc hiệu. Một số bệnh nhân đợi 5, 6 ngày xem có phát ban để biết chính xác là sốt xuất huyết hay không thì sẽ chuẩn đoán và điều trị muộn.

Với bệnh nhân cúm dù qua giai đoạn sốt có thể ho kéo dài, tức ngực, khó thở, viêm phổi bội nhiễm, viêm cơ tim, tim mạch, nhiễm khuẩn huyết… những trường hợp nặng rất khó cho quá trình điều trị sau này. Đặc biệt với các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh về hô hấp như hen phế quản, lao phổi cũ nếu bị cúm bệnh sẽ dễ trở nặng hơn… Vì vậy, việc thăm khám, phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, giúp ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng.

Lưu ý chăm sóc bệnh nhân cúm B, sốt xuất huyết tại nhà

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị cúm, người bệnh cần thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm. Những trường hợp sốt cao liên tục, có bệnh nền, trẻ nhỏ sốt cao co giật nên được theo dõi tại bệnh viện. Các dấu hiệu nguy hiểm gồm những bệnh nhân sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, tức là uống thuốc hạ sốt không giảm, li bì, bệnh nhân khó thở, thở nhanh, tay chân co quắp, tím tái, tức ngực… cần phải nhập viện ngay. Còn các triệu chứng sốt, đau mỏi người là triệu chứng chung của cúm B, bệnh nhân nên yên tâm điều trị tại nhà. Tiêm vaccine phòng cúm là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.

Những người có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết dengue nặng bao gồm trẻ em (đặc biệt là nhũ nhi, trẻ em dưới 1 tuổi), phụ nữ có thai, người già, người béo phì, người suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, cũng cần rất lưu tâm đến nhóm người có nguy cơ bị chảy máu nặng gồm: Người đang dùng thuốc chống đông máu, người có bệnh lý về máu, kháng kết tập tiểu cầu, người có viêm loét dạ dày, tá tràng…

Người mắc sốt xuất huyết dengue mức độ nhẹ có thể được theo dõi điều trị ngoại trú tại nhà. Các biện pháp điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, chườm mát, uống thuốc hạ sốt paracetamol nếu có sốt cao, uống nhiều nước (từ 2 đến 3 lít nước oresol hoặc/và nước hoa quả…). Ngoài ra, cần bổ sung vitamin các loại và dinh dưỡng hợp lý. Lưu ý là bệnh nhân không truyền dịch tại nhà. Do khi bị sốt xuất huyết, cơ thể trở nên nhạy cảm và rất dễ bị sốc khi truyền dịch, nguy cơ dẫn đến tràn dịch màng phổi. Không dùng kháng sinh bởi kháng sinh không tiêu diệt được virus, chỉ dùng nếu có bội nhiễm vi khuẩn và có chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vaccine phòng ngừa bệnh hiệu quả.