Đau đớn đi khám Nam học (4): Bí mật "động trời" giúp các phòng khám làm "bá chủ internet"

ANTD.VN - Mặc dù những thông tin cảnh báo, vạch trần sự thật “vẽ bệnh, moi tiền” ở các phòng khám phụ khoa, Nam học đã có không ít, song nhiều người sẽ phải tự hỏi: Tại sao khi tìm kiếm trên internet, Google không hiển thị những thông tin đó? Thay vào đó lại là “tầng tầng lớp lớp” thông tin tích cực, khen ngợi các phòng khám chuyên “vẽ bệnh” này. Phải chăng những phòng khám đó có phép màu gì để làm “bá chủ internet”, khuất phục cả Google? Cùng khám phá bí mật đằng sau phép màu này…

Khi truy cập trang tìm kiếm thông tin phổ biến trên internet là Google.com, và thử tìm những từ khóa như “phòng khám *** lừa đảo”, “phòng khám *** tốt không”, “khám Nam học ở đâu”, “khám phụ khoa uy tín”… (trong đó *** có thể là tên cụ thể của một phòng khám nào đó), thì tất cả kết quả trả về trong những trang đầu tiên đều dẫn tới các website cung cấp thông tin tốt đẹp, tích cực về các phòng khám.

Chỉ cần bấm thêm một vài click chuột, người dùng sẽ được dẫn tới cả kho nội dung "bùi tai", với hệ thống tư vấn trực tuyến sẵn sàng ghi nhận thông tin… Trong khi đó, những thông tin phản ánh bức xúc, vạch trần sự thật về các phòng khám trên báo chí hay qua các trang Facebook, blog cá nhân đều… không xuất hiện.

Các phòng khám phụ khoa, Nam học có phép màu, “tuyệt chiêu” nào để trở thành “bá chủ internet” như vậy???

PV Báo ANTĐ đã gặp anh N.N.L (SN 1990, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) – nhân viên kỹ thuật chuyên về SEO (Search Engine Optimization – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) – để tìm hiểu về bí mật của các phòng khám tư.

Anh L. từng có một năm làm việc trong bộ phận SEO của một phòng khám tư đình đám do ông chủ Trung Quốc đứng sau, và chuyên khám phụ khoa, Nam học, tại Hà Nội (song hiện phòng khám này đã bị đóng cửa).

Nhân vật đặc biệt này đã tiết lộ những bí mật "động trời" của các phòng khám cho PV Báo ANTĐ

Chia sẻ với PV, anh L. cho biết, do nắm bắt được tâm lý mọi người thường e ngại khi mắc các bệnh nam khoa, phụ khoa, và hay tự tìm kiếm thông tin để giải quyết, nên các phòng khám không tiếc tiền đầu tư cho một bộ máy khổng lồ chuyên làm nội dung quảng bá trên mạng.

Trong thời gian anh L. làm việc cho phòng khám, bộ phận SEO tại đó có tới 2 phòng, với lượng nhân sự làm SEO của mỗi phòng lên tới 6-7 người. Như vậy, tổng số nhân viên kỹ thuật SEO riêng tại phòng khám này đã là 12-14 người, có nghĩa là… đông nhân sự hơn không ít công ty công nghệ chuyên về SEO trên thị trường!

Ngoài ra, còn có một người chuyên thiết kế website, và 3-4 người chuyên viết nội dung “thú vị, hay ho” về phòng khám. Và thêm khoảng 10 người khác nằm trong bộ phận tư vấn, để sẵn sàng trả lời thắc mắc của khách ghé thăm, và tích cực chèo kéo những ai quan tâm tới phòng khám.

“Sau khi nghỉ việc tại đó, tôi được biết quy mô đội ngũ SEO, thiết kế website, làm nội dung và tư vấn còn tăng lên… 3 lần nữa”, anh L. chia sẻ.

Dưới đây là video clip tiết lộ bí mật “động trời” của các phòng khám:

Để thực hiện mục tiêu làm “bá chủ thông tin trên internet” , phòng khám đăng ký và sở hữu trong tay khoảng 300 tên miền và trang web, trong đó có những website mang tên của phòng khám, và cả những website mang tên chung chung như “phongkhamphukhoa.***”, “phongkhamnamhoc.***”, “khamphukhoauytin.***”…

Công việc của đội ngũ SEO, website và nội dung nói trên là liên tục cập nhật thông tin lên hệ thống website dày đặc, tối ưu hóa từ khóa, để chiếm lĩnh gần như toàn bộ những trang hiển thị kết quả tìm kiếm đầu tiên trên Google khi người dùng có ý định tìm thông tin liên quan tới phụ khoa, Nam học. Sau đó, mọi đầu mối liên lạc sẽ được dẫn về nhóm tư vấn viên của phòng khám.

“Mỗi nhân viên SEO sẽ được giao phụ trách một số trang web nhất định, nhiệm vụ là phải tối ưu hóa từ khóa, thông tin liên tục để lên được Top Google. Nếu từ khóa nào bị giảm xếp hạng thì nhân viên SEO sẽ bị phạt”, anh L. cho biết.

Một điều đáng chú ý là đội ngũ SEO này thường xuyên tối ưu các… từ khóa “xấu” đối với phòng khám, như “lừa đảo”, “kém chất lượng”, “sự thật”… Trong đó, họ SEO từ khóa xấu nhưng lại khéo léo hiển thị thông tin tích cực cho phòng khám, khiến người dùng rất khó để đọc được những nội dung phản ánh thật sự.

“Ví dụ như khi người dùng tìm kiếm từ khóa ‘phòng khám *** lừa đảo’, thì những kết quả đầu trang sẽ vẫn dẫn họ vào website có thông tin khen ngợi, cam đoan chất lượng… mà phòng khám đó dựng lên, vì từ khóa như vậy được SEO thường xuyên”, anh L. tiết lộ.

Thậm chí, những bài báo phản ánh sự thật khách quan về các phòng khám đó cũng bị “đánh tụt” sâu trong kết quả tìm kiếm Google.

“Báo chí có tính xu hướng (trend), có thể hôm nay họ đăng bài, thì thông tin đó hiển thị trên đầu một vài ngày. Nhưng trend thường chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn, trend qua đi là bài báo cũng tụt theo. Trong khi công việc SEO của các nhân viên ở phòng khám thì được thực hiện hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, nên việc đánh tụt nội dung báo chí xuống rất dễ dàng”, anh L. cho biết.

Nhân viên kỹ thuật SEO nói trên tiết lộ thêm rằng, hiệu quả tới từ "bộ máy SEO" của phòng khám là rất lớn. Không kể những khách hàng đọc thông tin và tự tìm tới phòng khám, thì riêng số lượng khách hàng đăng ký và liên hệ khám qua website mỗi tháng thường lên tới gần 1.000 người!

Sau một năm làm việc tại phòng khám, anh L. đã chứng kiến những chiêu trò vô lương tâm như Báo ANTĐ vừa phản ánh trong các kỳ trước. Điều này khiến anh rất bức xúc, và đã quyết định nghỉ việc. Hiện nay, anh đang làm công việc chuyên môn tại một công ty chuyên cung cấp dịch vụ SEO trên thị trường.

Kỳ sau: Đau đớn đi khám Nam học (5): Sở Y tế Hà Nội nói gì, và... làm gì?