Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11-6-1912/11-6-2012):

Dấu ấn sâu đậm của vị tư lệnh tối cao

ANTĐ - Cuộc đời hoạt động của đồng chí Phạm Hùng (1912-1988) dành trọn 60 năm cho cách mạng, thì trong đó có 6 năm đồng chí là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Đây là một quãng thời gian không dài với lịch sử hoạt động của đồng chí Phạm Hùng, nhưng với riêng lực lượng Công an nhân dân ông đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm.

Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đến thăm và làm việc với Báo ANTĐ năm 1983

Trong công tác công an, đồng chí Phạm Hùng là nhà lãnh đạo tài ba, một bậc thầy, một người chỉ huy cần mẫn, mưu trí, sáng tạo. Chính ông là vị tư lệnh tối cao của lực lượng Công an nhân dân, từng chỉ đạo xây dựng các kế hoạch đánh địch và bọn tội phạm ở tầm chiến dịch một cách tài tình, bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn của các cuộc đấu trí - đấu lý - đấu pháp. Những người đồng đội cùng thời và thế hệ sau ông nhận ra rằng, ông đã bộc lộ rõ phẩm chất, tài năng của một người chỉ huy - nhà tổ chức miệng nói, tay làm, biết lắng nghe và đạt được hiệu quả cao trong mọi trận đánh. 

Trước tình hình an ninh, trật tự trong những năm 80 của thế kỷ XX diễn biến phức tạp, tệ tham ô lãng phí, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành, với tinh thần kiên quyết, thận trọng, đồng chí đã kiến nghị Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thường trực Chính phủ) có nhiều quyết sách để giải quyết tình trạng này. Sau khi nghe Bộ Nội vụ báo cáo, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị quyết 128/NQ-HĐ về những biện pháp cấp bách bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

 Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trên, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân kết hợp với các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương triển khai thực hiện Pháp lệnh chống đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép; phát động các lực lượng kết hợp với quần chúng liên tục mở các đợt tấn công truy quét bọn tội phạm hình sự, bắt bọn lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc sâu rộng để quần chúng tích cực tham gia đấu tranh, trấn áp bọn tội phạm… đạt được những kết quả quan trọng, thiết lập lại trật tự kỷ cương, kiềm chế tham ô, lãng phí, góp phần ổn định nền kinh tế quốc dân, ổn định trật tự xã hội.

Cũng trong những năm 80 của thế kỷ XX, các cơ quan đặc biệt nước ngoài đã tung nhiều toán gián điệp, phản động xâm nhập vào nước ta qua nhiều đường khác nhau để hoạt động phá hoại. Đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng đã chỉ đạo xác lập nhiều chuyên án đấu tranh với bọn gián điệp, phản động, điển hình là các chuyên án AB27, kế hoạch CM12... Đây là cuộc đấu tranh bí mật, hết sức mưu trí và sáng tạo với quy mô lớn của lực lượng An ninh Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo tài tình của Bộ trưởng Phạm Hùng cùng các Ban chuyên án, các kế hoạch, chuyên án này đã đạt được những thắng lợi hết sức to lớn, làm thất bại âm mưu, hoạt động của bọn gián điệp, biệt kích, phản động của các thế lực thù địch. Những kết quả này đã bổ sung làm phong phú thêm kho tàng lý luận nghiệp vụ của ngành Công an.

Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đọc Báo ANTĐ. (Ảnh chụp năm 1987)

Đồng chí Phạm Hùng là người đã chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm công tác đấu tranh chống gián điệp, biệt kích của lực lượng An ninh nhân dân để vận dụng trong thực tiễn chiến đấu. Vì vậy, các toán xâm nhập khác như toán do Võ Đại Tôn cầm đầu, xâm nhập về nước để thực hiện “Mật kế Z” thực chất là kế hoạch hậu chiến của Mỹ ở Việt Nam và Đông Dương; nhóm Đại đội KH124 có nhiệm vụ xâm nhập hoạt động ở rừng U Minh, Đồng Tháp; các tổ chức phản động như “Mặt trận quốc gia Việt Nam” do Lê Quốc Quân cầm đầu (Chuyên án TQ42), chuyên án DN 10 (Kế hoạch DN10)… đều giành thắng lợi, các đối tượng xâm nhập lần lượt sa lưới, làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của địch, phá tan kế hoạch sử dụng “hàng đặc biệt”, buộc địch phải dừng và điều chỉnh kế hoạch hoạt động chống phá Việt Nam. 

Một đóng góp to lớn nữa của đồng chí Phạm Hùng vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX là đã đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 92-CT/TW ngày 25-6-1980 về Cuộc vận động xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng  bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng chí Phạm Hùng là Bộ trưởng đã Chỉ thị phát động trong toàn lực lượng CAND phong trào học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy. Từ đó đến nay, phong trào thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy được duy trì thường xuyên, thực sự trở thành động lực cho công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND.

Vào những ngày này, cả nước cùng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. Tại Hội thảo “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: “Đồng chí Phạm Hùng là người con ưu tú của đất nước và quê hương Vĩnh Long, nhà lãnh đạo kiên trung, mẫu mực của Đảng và Nhà nước ta; người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của lực lượng CAND Việt Nam, suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 

Sinh thời, đồng chí Phạm Hùng năm 1983 đã tới thăm và động viên CBCS Báo An ninh Thủ đô tại trụ sở tòa soạn ở 85 phố Trần Hưng Đạo. Khi đó, báo An ninh Thủ đô còn lưu hành nội bộ trong lực lượng Công an Hà Nội, chưa phát hành công khai. 

Năm 1985, Báo An ninh Thủ đô trở thành tờ báo đầu tiên của lực lượng công an nhân dân phát hành công khai, rộng rãi tới nhân dân. Sau đó, đồng chí Phạm Hùng luôn dành thời gian xem và có lời động viên, khen ngợi Báo An ninh Thủ đô.