Đào tạo ĐH, CĐ: Phát triển quá “nóng”

(ANTĐ) - Vì muốn sớm được tuyển sinh, có trường thì tự nhận hệ thống giảng viên cơ hữu của mình có tới 20 tiến sỹ, 105 thạc sỹ, 62 cử nhân nhưng thực tế, rà soát lại chỉ có duy nhất 1 tiến sỹ, 6 thạc sỹ, 11 cử nhân. Còn có trường thì xin thành lập khoa đào tạo kế toán, trong khi đội ngũ giảng viên chỉ là 6 cử nhân chuyên ngành này...

Đào tạo ĐH, CĐ: Phát triển quá “nóng”

(ANTĐ) - Vì muốn sớm được tuyển sinh, có trường thì tự nhận hệ thống giảng viên cơ hữu của mình có tới 20 tiến sỹ, 105 thạc sỹ, 62 cử nhân nhưng thực tế, rà soát lại chỉ có duy nhất 1 tiến sỹ, 6 thạc sỹ, 11 cử nhân. Còn có trường thì xin thành lập khoa đào tạo kế toán, trong khi đội ngũ giảng viên chỉ là 6 cử nhân chuyên ngành này...

Nhiều trường ĐH, CĐ thành lập trong tình trạng thiếu nghiêm trọng giảng viên
Nhiều trường ĐH, CĐ thành lập trong tình trạng thiếu nghiêm trọng giảng viên

Tăng tốc quá nhanh so với năng lực

Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, chỉ trong 10 năm qua, đã có 78 trường ĐH, 130 trường CĐ được thành lập mới và nâng cấp. Điều đáng nói là hầu hết các trường tư thục thành lập mới đều rất nghèo nàn về trang thiết bị, phòng thí nghiệm và thư viện.

Cá biệt, còn một số trường phải thuê mướn cơ sở vật chất phục vụ làm việc, giảng dạy, học tập, thí nghiệm thực hành như trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, CĐ Ngoại ngữ - Công nghệ Việt Nhật, CĐ Đông Du...

Khó có thể tưởng tượng các cử nhân được đào tạo theo chuẩn trình độ thế nào khi mà rất nhiều trường không hề quan tâm tới giáo trình, tài liệu cho giảng viên cũng như sinh viên.

Cụ thể, trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, ĐH Kinh tế Công nghệ Long An, CĐDL Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương... chỉ có 100 đầu sách; thậm chí CĐ Viễn Đông chỉ có 7 đầu sách...

Với tốc độ phát triển các trường ĐH, CĐ như trên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, là quá nhanh. Phó Thủ tướng so sánh, trong vòng 10 năm đã có tới 78 trường ĐH được thành lập, trong khi đó, giai đoạn từ năm 1953 đến 1998 chỉ có 82 trường, tức là tốc độ phát triển 10 năm gần bằng 50 năm.

Điều đáng nói, trong khi đào tạo ĐH, CĐ có tốc độ phát triển nhanh như vậy nhưng thực chất khả năng đáp ứng của các trường lại không theo kịp. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có lẽ ta chưa đủ nguồn lực để 10 năm phát triển quá nhiều như vậy.

Khai man số lượng giảng viên

Với quy định các trường tự xác định, đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh của trường mình theo chuẩn đầu sinh viên  trên mỗi giảng viên của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đã không ngần ngại “khai man” để có được giấy phép tuyển sinh của Bộ.

Theo ông Trần Bá Giao - Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện một số trường báo cáo không chính xác số lượng giảng viên cơ hữu khi đăng ký mở ngành đào tạo. ĐH tư thục Công nghệ thông tin Gia Định được phép tuyển sinh 7 ngành ĐH, nhưng hiện nay chỉ có duy nhất 1 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ.

Trường ĐHDL Phú Xuân được phép tuyển sinh 12 ngành ĐH nhưng hiện nay chỉ có 3 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ; CĐ Kinh tế Kỹ thuật Đông Du có 6 giảng viên là cử nhân đại học ngành Kế toán nhưng đào tạo 850 sinh viên cao đẳng Kế toán.

Cá biệt, trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân “tự nhận” có 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ và 62 cử nhân là giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, qua kiểm tra bảng lương, Thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện số giảng viên thực của trường chỉ có 18 người.

Chính vì khai man năng lực đào tạo vượt quá thực tế nhiều lần nên khi được giao chỉ tiêu, trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân đã liên kết với Viện Nghiên cứu Phát triển văn hóa và giáo dục Đông Nam Á, Viện Công nghệ thông tin và Quản trị tài chính để đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong khi đây là những đơn vị không có chức năng đào tạo bậc học này.

“Trường CĐ bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp còn tuyển sinh, đào tạo và cấp phát văn bằng cho 5 ngành đào tạo khi chưa có quyết định mở ngành. Trong số 17 trường bị xử phạt hành chính tuyển sinh vượt chỉ tiêu trên 20% trong hai năm liền thì chủ yếu ở các trường mới thành lập...” - bà Trần Thị Hà cho biết.

Thiếu cơ chế xử lý sai phạm

Trước không ít những sai phạm của những trường ĐH, CĐ mới thành lập, bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH đề xuất cần phải có cơ chế xử lý với các trường sau 3-5 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện như đã cam kết.

Đối với các trường không đảm bảo điều kiện tối thiểu, có thể ngừng tuyển sinh để củng cố. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện các trường hợp vi phạm tuyển sinh hoặc khai man số lượng GV.

Để khắc phục tình trạng thiếu giảng viên cơ hữu, nhất là giảng viên có trình độ cao, các trường cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và gửi giảng viên đi đào tạo theo đề án đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ... Đề án này không phân biệt trường ĐH công lập hay ngoài công lập.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, việc tăng quy mô, số lượng trường ĐH, CĐ phải đồng nghĩa với nâng cao chất lượng giáo dục.

Muốn vậy, trước tiên các trường phải bồi dưỡng và nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, trong đó chú trọng tới vai trò quản lý, giảng dạy của các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ.

Nếu các trường không biết tận dụng đội ngũ trí thức này thì chất lượng giáo dục khó có thể cải tiến được. Với những trường mới thành lập phải kiểm tra mỗi năm một lần trong những năm đầu... Trước khi tuyển sinh, các trường phải công bố được chuẩn đào tạo, giáo trình môn học...

Vinh Hương