Đạo chơi lan

ANTĐ - Lân không thuộc tuýp người đẹp. Anh gầy đen, thô ráp, mộc mạc như vỏ cây đa cây si, nông dân chính hiệu. Anh bảo, cháu sống ở làng, làm nghề trồng lúa, nuôi lợn gà, không là nông dân thì là gì? Ấy vậy nhưng ngoài “chất” nghệ sỹ, Lân còn có con mắt thật tinh và đôi bàn tay vàng, khéo tới mức không có gì không làm được. 
Đạo chơi lan ảnh 1
Minh họa của Nguyễn Đăng Phú

Là nông dân chính hiệu nhưng anh có biết trồng lúa, trồng ngô đâu. Đất ruộng vào dự án hết rồi. Mẹ anh nói, có còn ruộng nó cũng chả biết cày, biết bừa. Vậy anh sống bằng gì? Mua bán, sửa chữa đồng hồ Ô Đô. Nghe cái tiếng chuông côn 36 mới thật sướng tai. Côn sắt mạnh mẽ, giòn giã thúc giục khiến người ta cứ muốn nhổm người lên. Thật hợp với cánh thanh niên. Còn côn đồng dịu dàng êm ái, âm vang. Cánh thanh niên thích côn sắt mạnh còn người lớn tuổi lại mê nghe côn đồng. Chú thích loại nào? Tôi nói, tôi nghe côn đồng êm tai hơn. Nhất là cái tiếng dứt cuối cùng của nó. Cứ từ từ xuống dần, xuống dần dài tới hàng phút dịu mượt rót vào tai như nghe giọng cải lương lúc sàng sê vậy. Người nghe không thể không nhổm dậy vỗ tay.

Sướng tai đến thế! 

Tý chút nữa thì tôi lạc đề. Tôi đang viết về phong lan cơ mà. Vườn phong lan nhà Lân nếu chỉ nói riêng về hoa thôi có thể đẹp vào bậc nhất Hà thành. Cũng là lan đai châu đấy, nhưng đai châu nhà Lân rễ đâm ra mạnh mẽ, mập mạp tày ngón tay út. Còn lá, ôi trời, to bằng cả cái tai trâu, xanh đen, nổi rõ những khuôn nhạc (Do vậy, khối người nhầm gọi là tai trâu). Bông hoa thật to, thật dài, toả đều xung quanh, bồng bềnh như cái phất trần, với đủ sắc xuân, trắng như lụa, hồng như cánh hoa sen, thắm đỏ như hoa đào thất khốn. Tôi đứng lặng trước những bông đai châu ấy, như không còn tin ở mắt mình, không tin ở cảm giác của mình. Những năm chín mươi của thế kỉ trước, tôi đã treo phong lan đầy giàn, đã có dăm bảy giò lan đai châu. Tôi đã đi biết bao nhiêu vườn lan ở Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Sài Gòn nhưng chưa thấy chỗ nào có những bông đai châu đẹp nhường ấy, lạ nhường ấy. Hoa đai châu thường khuyết mặt dưới. Nhưng không hiểu sao hoa đai châu nhà Lân lại lung linh tứ phía. Tôi xoè bàn tay đo thử. Nhiều bông dài tới ba gang đẫy, ba gang hơn. Lân chỉ từng bông bảo:

“Chú ơi, bông này sáu chín, bông này bảy mươi phân, bông này, bông này… Cháu đo bằng thước dây hết rồi”.

Xem lá, xem rễ, xem hoa của Lân, tôi không thể không tấm tắc: Đẹp, đẹp! Lân khoe chọn giống lan là quan trọng nhất. Cách đây dăm bảy năm, người ta khai thác ào ạt khuân phong lan ở rừng Tây Bắc, rừng Lào, rừng Trường Sơn, bán đầy bên Văn Giang, dưới chợ Mơ, trên chợ Bưởi. Chỗ nào có lan Lân cũng tới. Chọn lá, chọn rễ, chọn giá để buộc lan. Giống phong lan cũng không vừa đâu. Không một loại nào chịu bám vào gỗ mục. Nhiều người mới chơi phong lan cứ nghĩ cho nó ăn gỗ mục. Lầm rồi. Chỉ vì thiếu hiểu biết về đời sống thanh tao tinh khiết của cây phong lan mà buộc nó vào khúc gỗ mục cho nó ăn có khác gì nhốt mỹ nữ vào lãnh cung, vào căn buồng ẩm ướt tăm tối, không cho ăn cho uống hoặc tưới nước ào ào như cai ngục dội nước xuống đầu phạm nhân cơ chứ. Thế nên mỹ nhân gầy còm, ốm yếu, chết dần chết mòn. Ở trong Nam, người ta thường buộc vào gỗ cây vú sữa. Gỗ vú sữa chắc bền, vỏ lâu bị bong ra. Còn ngoài Bắc ta, tốt nhất là gỗ nhãn da vàng. Gỗ nhãn da vàng chắc bền hơn nhãn da xanh. Cái cây phong lan cũng như con người, ai chả mong có cuộc sống ổn định, có chỗ nghỉ ngơi, chắc chắn.

Đứng trước vườn lan của Lân tôi không thể thờ ơ. Lân không ham nhiều. Anh coi  trọng sự tinh. Anh trồng phong lan đai châu là chủ yếu. Giò lan đai châu nào đẹp nhất mới mua. Mua bằng được. Đắt cứa cổ vẫn nặn hầu bao. Điểm xuyết cho vườn đai châu, Lân treo thêm bát bảo tiên, tam bảo sắc, hồng nhạn, bạch nhạn, hồng sắc, hải yến, sóc ta, sóc Lào… Người sành phong lan thường rỉ tai nhau, vườn phong lan nào không thấy giò hải yến, sóc ta, hồng sắc và da báo tươi tốt là chưa biết trồng. 

Tôi đã trồng lan tôi biết. Tôi vẫn nghĩ, chỉ địa lan mới thực sự gắn bó với người trồng. Nó vui, buồn héo hắt đến chết theo sức khoẻ, niềm vui, nỗi buồn của người trồng. Như ông nội tôi, như cụ Giao, cụ Khả, nhiều người đã biết đấy. Hoá ra phong lan cũng ghê lắm. Lân bảo, cái anh đai châu nhà cháu cũng thế. Bỗng dưng úa lá héo dần, héo mòn.  Lân lo quá. Anh bảo tại gỗ. Gỗ đã mục, đã quá đát. Anh thay gỗ mới. Nhãn da vàng hẳn hoi. Nó vẫn héo hắt. Hoá ra Lân bị ốm gần chết. Thoạt đầu chỉ khô da, khô miệng, phát nhiệt… ốm lay lắt mãi. Đến khi Lân thuốc thang khỏi bệnh, giò lan bật luôn ra một cái rễ to tày ngón tay, xanh mỡ. Nhìn chậu địa lan giấu kín phần rễ vào lòng đất, lá xanh uyển chuyển trước nắng trước gió như cô gái có duyên thầm thì cũng thích thật. Nhưng ở thời hiện đại, người đẹp lại thích phô bày nhiều vẻ. Do vậy cây phong lan phô bày phần rễ, cái phần xưa kia vẫn giữ kín ấy, chẳng khác gì mỹ nhân để lộ đùi, lộ ngực. Nhìn những chùm rễ phong lan non tơ biếc xanh, vừa uyển chuyển duyên dáng vừa hùng dũng phồn thực, đã con mắt lắm.

Vườn phong lan của Lân phong phú, đa dạng đã lay động, thuyết phục tôi. Bởi trước nay, tôi vốn không thích viết về phong lan. Tại sao ư? ấy là từ thuở nhỏ tôi đã bị ám ảnh từ câu nói của cụ Từ Đình, một ông lão vóc hạc  gầy gò, bạn chơi cỏ linh của ông nội tôi. Ông cụ bảo, cây lan cũng như người con gái đẹp cốt ở cái duyên. Cái duyên càng kín càng thầm, càng cao quí. Vậy hãy nhìn ngắm những giò phong lan xem. Có bao nhiêu gốc rễ, hoa lá phơi hết cả ra trước thanh thiên bạch nhật, trơ trẽn lắm, trơ trẽn lắm.

Thời các cụ khác, thời nay khác nhiều rồi. Gặp những cô gái lộ cặp giò đẹp chả cứ cánh thanh niên tấm tắc mà đến cả người già cũng phải...

Những năm gần đây, tôi hay lân la đến các vườn lan xem có loại lan nào đẹp mới được mang từ rừng về. Thực lòng tôi vẫn ít để ý đến phong lan. Dẫu đang là thời phong lan bùng nổ, phong lan lên ngôi. Có nhiều loại anh em chơi lan bảo nó biến. Lá khác hoa khác. Có loại đai châu lá vặn như vỏ đỗ khô, hoa trắng bong hoặc hồng nhạt. Rồi còn bao nhiêu là lan cấy mô nữa. Ngay như anh cát-li-a đã có mấy chục loại rồi. Mấy chục loại là mấy chục sắc màu hoa. Ngay một bông hoa cát cũng có tới năm bảy màu rồi. Trong các cuộc vui chơi bình chọn hoa lan, hoa lan công nghiệp thường được số phiếu cao ngất ngưởng. Vậy là  ở thời hội nhập, thời bùng nổ thông tin có người bạo mồm bảo, thời cóc nhái nhảy lên đường nhựa, những thứ hoa cấy mô ngoại bang, nhiều loại còn hữu sắc vô hương nữa nhưng vẫn dắt díu nhau lên ngôi cao. Mấy vị trọc phú còn lớn tiếng, mình chơi kia mà, chơi hoa cũng như chơi... Đẹp thì chơi. Chơi chán thì vứt. Cần gì nguồn gốc, cần gì xem tông xem giống. Các bố thật vớ vẩn! Các bố xưa cũ lắm! Cổ lỗ lắm.

Thật khiếp!

Do vậy tôi càng thêm quý Lân. Anh quyết giữ cái đạo chơi lan. Lại nhớ, anh Phúc ở Xứ Đoài, một thầy giáo làng thôi, tuổi trạc ngũ tuần. Nói năng khoan thai, khúc chiết. Phong thái ung dung, tự tại y hệt ông đồ xưa. Vườn địa lan nhà anh chỉ toàn trồng mặc lan, một loại lan đặc hữu của Xứ Đoài xưa. Có đến bốn năm chục chậu. Lá lan vươn lên xanh đen tối cả mắt. Anh không chịu bán và cũng chưa cho ai. Anh muốn giữ cái tinh hoa của xứ Đoài, không muốn để lan quí thành lan đại trà. Đặc biệt, không để lan lọt vào tay kẻ vô lại. Áp Tết năm Tỵ có vợ chồng vị cán bộ nghe nói to lắm, được người quen Phúc dẫn đến. Vợ chồng ông ta cứ như bị hương hoa mặc lan hút hồn. Loanh quanh mãi không ra khỏi vườn lan. Ông ta hỏi, anh có bán không? Phúc lắc đầu, kính cẩn thưa, không ạ.

Mấy hôm sau, vợ chồng ông lại về. Lần này là quyết mua lan bằng được. Giá lan chỉ dăm bảy triệu một chậu. Người quen của Phúc giả tới mười lăm hai mươi triệu. Họ thiếu gì tiền. Phúc vẫn lắc đầu. Anh nói nhỏ với bạn, lan của anh vô giá. Bạn anh giận bảo, ông quá lắm. Nhà ông ấy đầy  hoa, đầy lan. Xe tải chở không hết. Chẳng qua, ông bà ấy mê lan của ông thôi. Vợ chồng vị cán bộ cấp cao cứ ngẩn ngơ ngoái nhìn mãi vườn lan mới bước nổi vào xe. Tôi bảo, sao Phúc không bán cho họ một chậu lấy thêm tiền tiêu tết. Phúc tái mặt, lạnh lùng nhìn tôi: “Bác coi thường em quá. “Em không ngờ bác lại bảo em trao tinh hoa của Xứ Đoài mình cho người ấy...”.

Tôi giật mình, phát hoảng. Tôi xin lỗi Phúc. Tôi muốn thử lòng anh một tý thôi. Được lời gương mặt Phúc tươi hẳn.

Tôi kể lại chuyện này, Lân thích lắm. Lân bảo, hội nhập cứ hội nhập, nhưng không được xô bồ. Phải giữ lấy cái tinh hoa của đạo chơi lan. Chú biết cụ giáo Nghị ở Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng chứ. Dạo mỗi chậu mặc lan giá bốn năm cây vàng, thương gia Trung Quốc nhăm nhe đến hỏi mua. Cụ dứt khoát không bán. Trong khi đó, cụ rất nghèo. Lương giáo viên hưu trí, con đông, cụ vẫn mặc quần tích kê gối, tích kê mông. Có người xui cụ bán. Nói một vài lần cụ im lặng. Nhưng nói thêm là cụ nổi giận. Cụ bảo, các anh xui tôi bán tinh hoa của tổ tiên đi à?

Chuyện cụ giáo Nghị giữ giống địa lan quí của Hà Nội, thật cảm kích với đạo chơi lan.

Bây giờ ở vườn lan Hà Nội, thật khó thấy một chậu đại mặc, thanh ngọc, thanh trường cổ. Toàn giống lai trồng theo công nghệ hiện đại. Cái lá mỏng tang bạc thếch, cái hương nhạt hoét. Rõ chán!

Lân bảo, thời này làm gì có quân vương thừa tướng, hoàng hậu xịn, ấy, xin lỗi chú, cháu nói chưa chặt chẽ. Phải nói là, làm gì có lan quân vương, thừa tướng, hoàng hậu… ở vườn lan. Toàn quân vương, thừa tướng, hoàng hậu... rởm cho nên đám cave mới nhảy tót lên ngôi cao. Mùa hoa nào cũng thấy đám ca ve xanh xanh vàng vàng, làm loá mắt mấy ông trọc phú. Giá cave đắt cắt cổ. Mấy ông vẫn thi nhau kiếm mua như tìm mua gái đẹp. 

Trời ơi, tôi thốt kêu trong lòng, cái anh Lân này trông củ mỉ cù mì, chất phác vậy mà khắc nghiệt ra phết. Ai lại đi ví hoa lan với cave? Tôi bảo, cháu hơi quá đấy. Lân không đối lại. Anh hỏi, chú bảo chú không thích viết về phong lan sao bây giờ chú lại có ý định viết. 

Lân cười hết cỡ. Cứ tưởng đâu là nông dân chính hiệu.