“Đánh” mạnh tận gốc rễ

ANTĐ - Tại phiên đối thoại về phòng chống tham nhũng với chủ đề “vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong công tác phòng chống tham nhũng” giữa Chính phủ với cộng đồng các nhà tài trợ, Tổng thanh tra Chính phủ thẳng thắn thừa nhận nguy cơ câu kết giữa doanh nghiệp với các quan chức tha hóa để hình thành những nhóm lợi ích.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trước đây dư luận thường cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, điều đó chưa đủ khi thực tế rất nhiều doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ để giành thế chủ động trên thương trường, trong cạnh tranh. Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng phân tích, vấn đề tham nhũng “vặt” lâu nay bị xem nhẹ bởi số tiền hối lộ không lớn. Song, đã là tham nhũng thì 1 đồng cũng là tham nhũng. Kết quả điều tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy: 37% doanh nghiệp được hỏi cho là tham nhũng vặt rất phổ biến, 43% đánh giá ở mức độ phổ biến, 17% cho rằng ít xảy ra. Đa số doanh nghiệp được hỏi nói rằng mình là nạn nhân của tham nhũng vặt với 58% đồng ý, 26% không đồng ý và 16% không có ý kiến.

Tuy vậy, đáng lưu ý là 70% doanh nghiệp thừa nhận họ chủ động đưa hối lộ, chỉ có 30% cho là do cán bộ công chức gợi ý. Đặc biệt, những số liệu điều tra này gần như trùng khớp với con số điều tra của Ngân hàng Thế giới với 75-80% doanh nghiệp đưa hối lộ ngay cả khi không bị đòi hỏi. Trong đó, 63% doanh nghiệp cho rằng việc đưa hối lộ là “cơ chế” bất thành văn để giải quyết công việc thuận lợi và 32% đánh giá việc “mở ví” là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thanh tra Chính phủ đã phân loại 3 dạng tham nhũng: tham nhũng vặt là doanh nghiệp chi khoản tiền hối lộ nhỏ cho cán bộ, công chức vòi vĩnh, nhũng nhiễu; tham nhũng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân để có hợp đồng, vay vốn ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản. Cuối cùng là tham nhũng, hối lộ trong nội bộ doanh nghiệp như ăn chia, hối lộ giữa công ty mẹ và công ty con, lạm dụng quyền hạn. Mặc dù các kết quả điều tra trên chỉ mang tính thăm dò, con số tham khảo, song Tổng Thanh tra Chính phủ cảnh báo, khi tham nhũng, hối lộ có sự câu kết giữa doanh nghiệp với một số quan chức biến chất sẽ hình thành các nhóm lợi ích, gây bất bình đẳng, làm tăng chi phí, đồng thời tác động xấu đến kinh tế-xã hội. Doanh nghiệp gặp khó khăn không chỉ hoàn toàn do kinh tế suy giảm mà còn do chính họ đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Đại diện Ngân hàng Thế giới đánh giá nỗ lực của Chính phủ trong phòng chống tham nhũng, nhưng nguyên nhân gốc rễ chưa được “đánh” mạnh. Tốt nhất đừng để nó xảy ra trầm trọng rồi mới chống, đặc biệt là hoạt động thuế, hải quan, quản lý đấu thầu, đầu tư dự án, hợp đồng…