Đằng sau tấm vé xem kịch giá 1 triệu đồng

ANTĐ - Với thói quen thưởng thức kịch miễn phí của khán giả miền Bắc, việc Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt tác phẩm kinh điển “Hamlet” với giá cả triệu đồng được coi là chơi ngông. Trong khán phòng Nhà hát Lớn có sức chứa lên tới vài trăm chỗ ngồi thì có chừng vài chục khán giả dám bỏ tiền ra mua tấm vé xem kịch có giá cao nhất từ trước tới nay. Số lượng tuy ít ỏi nhưng chỉ với chừng ấy cũng là những vệt sáng hy vọng hiếm hoi của sân khấu Việt.

Đằng sau tấm vé xem kịch giá 1 triệu đồng ảnh 1Vé xem buổi diễn duy nhất của vở kịch “Hamlet” tại Nhà hát Lớn Hà Nội được bán với giá 1 triệu đồng 

Cú thử với khán giả  

Một loạt sân khấu xã hội hóa tại miền Nam đứng trước nguy cơ đóng cửa, nhiều nhà hát tại miền Bắc hoạt động cầm chừng, thì việc chào vé xem kịch “Hamlet” lên tới 1 triệu đồng/vé đã tạo nên bất ngờ với không ít người. Làm một phép so sánh đơn giản với thu nhập của các ca sỹ dòng nhạc thị trường, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh khẳng định, cách làm này không chỉ ngông mà còn sốc với định kiến và thói quen thưởng thức của lớp khán giả “vé mời”.

Ông Nguyễn Thế Vinh giải thích, với hàng chục nghệ sỹ tham gia và tập luyện ròng rã trong gần 1 năm, mức giá 1 triệu đồng/vé xem “Hamlet” phần nào mới bù đắp được công sức và sức sáng tạo nghệ thuật của ê kíp dàn dựng. Hơn thế, đây là một tác phẩm kinh điển luôn được công chúng thế giới đón đợi mỗi lần ra mắt nên giá vé không bị đẩy lên mà thực tế xứng đáng được như vậy. 

Trong vài chục người bỏ tiền ra mua tấm vé “khủng” này, các doanh nhân, những người đứng đầu một doanh nghiệp chiếm đại đa số. Sau đêm diễn, nhiều ý kiến khen chê khác nhau về vở kịch có giá tiền triệu này. Người thích thì khen vở có góc nhìn riêng, lối dàn dựng thuần Việt, dễ cảm thụ. Người chê thì không thích cách thể hiện của diễn viên còn đuối… Nhưng trên cả, với số người mua vé vào xem kịch có giá tiền triệu cũng đủ để Nhà hát Kịch Việt Nam nắm được lượng khán giả thực sự của dòng chính kịch. Việc nâng giá vé là cú thử của Nhà hát trước thị hiếu của khán giả ngày nay và câu trả lời thì ai cũng đã biết - dòng chính kịch vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả. 

Chất lượng nghệ thuật là đầu tiên

Tất nhiên, trong bối cảnh ảm đạm của sân khấu, tấm vé xem kịch có giá 1 triệu đồng lại không được nhà tổ chức căn cứ vào doanh thu. Bởi theo ông Nguyễn Thế Vinh, “nếu chịu sức ép doanh thu thì họa có điên chúng tôi mới dám rao bán vé xem kịch lên tới 1 triệu đồng. Nhưng không lẽ, ê kíp dàn dựng vẫn sẽ chấp nhận lượng khán giả “vé mời” của mỗi đêm diễn. Dù thay đổi thói quen thưởng thức vô cùng khó khăn nhưng dù sao cú thử này còn đánh vào tâm lý của các khán giả chỉ mong đến với rạp hát cùng tấm vé miễn phí trên tay”.

Sau đêm diễn tại Nhà hát Lớn, vé thưởng thức vở kịch kinh điển “Hamlet” đã trở về mức thông thường với 300.000 đồng/vé và điều đáng mừng là lượng khán giả đến với mỗi đêm diễn thường chật kín rạp. “Hamlet” không phải vở kịch duy nhất có mức giá 1 triệu đồng từ trước tới nay. Nhà hát Tuổi trẻ từng tổ chức chương trình hài kịch “Thành phố cười” có mức giá tương tự tại Cung Văn hóa Hữu nghị. 1.000 vé được bán hết và doanh thu của một đêm diễn là gần 1 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, sân khấu chưa bao giờ vơi cạn khán giả. Dù là hài kịch hay chính kịch, giá vé cao hay thấp nhiều khi lại không quan trọng bằng chất lượng vở diễn và đánh trúng thị hiếu khán giả.

Sự mạnh dạn, đôi khi cần cả yếu tố liều lĩnh của những người đứng đầu khiến cho “Hamlet”, “Thành phố cười” gây tiếng vang và tạo điểm nhấn trong đời sống văn hóa nghệ thuật Thủ đô. Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ khẳng định: “Một vở diễn đạt tới vé tiền triệu thì vở diễn đó phải hội tụ đủ những gương mặt xuất sắc nhất của nhà hát, chất lượng nghệ thuật phải đỉnh nhất, khi đó, tác phẩm sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”. Sau “Thành phố cười”, chúng tôi vẫn chưa có một chương trình nào đủ tầm cỡ để bán vé lên tới 1 triệu đồng, dù nhiều vở chính kịch, hài kịch đã ra đời. Nhà hát Tuổi trẻ sẽ hướng tới chất lượng thực nhiều hơn”.