Dân phải đồng thuận mới thu phí

ANTĐ - Có mặt tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phải đối diện với rất nhiều câu hỏi “nóng” từ báo giới xung quanh việc thu hàng loạt loại phí giao thông do Bộ này đề xuất gần đây. 

Chưa thu phí trong năm 2012

Không thể giảm ùn tắc giao thông chỉ bằng việc thu phí

Trước sự quan tâm đặc biệt của báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang tiến hành đề xuất thu 3 loại phí liên quan đến phương tiện giao thông gồm: phí bảo trì đường bộ; phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. 

Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc trao đổi với các phóng viên rằng, các loại phí mà Bộ GTVT đề xuất gần đây đều “không phải là sáng kiến của Bộ này”. Phí bảo trì đường bộ dự kiến áp dụng từ 1-6-2012 là thực hiện theo Luật Đường bộ; còn 2 loại phí còn lại là phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Ông Đinh La Thăng nói: “Đây không phải là sáng kiến của Bộ GTVT mà thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết 13 Hội nghị Trung ương 4. Căn cứ vào các chỉ đạo trên, Bộ GTVT cùng các bộ liên quan mới xây dựng đề án thu phí. Riêng phí bảo trì đường bộ bây giờ mới thu còn là chậm vì Luật đã có hiệu lực từ năm 2009. Sự chậm trễ này có trách nhiệm của Bộ GTVT”.

Nói thêm về 2 loại phí bị dư luận phản ứng gay gắt gần đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhỏ nhẹ: “Hiện nay, Bộ GTVT mới trình đề án lên Chính phủ và đang trong giai đoạn lấy ý kiến các bộ, ngành. Do đó, vẫn chưa thể nói gì về thời điểm thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Việc này cần thời gian chuẩn bị và bởi nền kinh tế đang khó khăn nên cần chậm lại. Dù chưa thể khẳng định thời điểm nào sẽ thu phí nhưng chắc chắn không thể trong năm 2012”. 

Ghi nhận những ý kiến bức xúc từ dư luận, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ đã điều chỉnh hạ mức phí hạn chế phương tiện cá nhân so với mức thu từ 20-50 triệu đồng/xe như đề xuất ban đầu. Cụ thể, đối với ô tô dung tích xi lanh từ 1,0 trở xuống, sẽ phải nộp phí 10 triệu đồng/xe/năm; từ 1,0 trở lên đến 1,5 là 15 triệu đồng; từ 1,5-2,0 là 20 triệu đồng; từ 2,0-2,5 thu 25 triệu đồng... Kết quả thống kê cho thấy, sẽ có khoảng 600.000 ô tô cá nhân phải chịu tác động của phí hạn chế phương tiện cá nhân. Ngoài ra, sẽ thí điểm thu phí với xe máy tại nội thành 5 thành phố lớn. Dự kiến, tổng thu hàng năm sẽ đạt từ 12.000 - 15.000 tỷ đồng.

Đề xuất quy trình ngược?

Cũng theo giải trình của Bộ trưởng Bộ GTVT, vì 2 loại phí mới này chưa có trong Pháp lệnh phí và lệ phí nên Chính phủ sẽ phải xem xét cụ thể để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Khi UBTVQH đồng ý bổ sung 2 loại phí thì Chính phủ mới có thể triển khai. Tỏ ra kiên định với đề xuất của mình, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân về đề án này”. Trả lời phóng viên về việc có lường đến tình huống UBTVQH sẽ không thông qua đề án thu phí, ông Đinh La Thăng chia sẻ: “Thông qua hay không là quyền của Quốc hội mặc dù Quốc hội cũng có thể không thông qua nhưng trách nhiệm của Bộ thì vẫn phải đề xuất”.

 Trả lời tiếp câu hỏi: “Bộ   GTVT đang đề xuất quy trình ngược, tức là hệ thống hạ tầng còn yếu kém, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu mà đã vội hạn chế xe cá nhân”, Bộ trưởng cho rằng, không thể chờ mọi thứ hoàn thiện hết rồi mới tính thu phí. Ông lập luận: “Bây giờ muốn tăng xe buýt nhưng không hạn chế phương tiện cá nhân thì không có đường cho xe buýt đi. Mọi biện pháp phải làm đồng bộ, trong đó, có nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng để phục vụ người dân tốt hơn”.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc “giải pháp có nhiều, song phải chăng, Bộ GTVT thấy thu phí của dân dễ nhất nên cứ tập trung đề xuất thu”, Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: “Tôi chưa bao giờ nói thu phí của dân là dễ nhất. Cùng với đề xuất thu phí là rất nhiều việc Bộ và các địa phương đang làm, từ quy hoạch tới thi công xây dựng hạ tầng... Nhiều việc tới mức tôi không thể kể hết được”. Chia sẻ với người dân, Bộ trưởng nói: “Tôi mà là người dân, nếu không nắm được thông tin đầy đủ thì tôi cũng phản ứng. Đề án thu phí phải có sự đồng thuận của người dân, đem lại lợi ích cho đa số thì mới làm. Tất nhiên, sẽ có một nhóm bị ảnh hưởng nhưng sẽ là số ít, trong khi đa số được hưởng lợi. Việc thu phí cũng chỉ làm trong một giai đoạn nhất định. Khi hạ tầng, đường sá tốt lên, đất nước phát triển tới một mức nào đó, phí sẽ phải bỏ, thậm chí, ngược lại, Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích người dân sở hữu xe cá nhân...”.