Đam mê đến tận cùng

(ANTĐ) - Nhà hát Lớn đêm 31-10, kỷ niệm 50 năm Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, những tràng vỗ tay rầm rập không ngớt khi chàng trai đó bước ra sân khấu, tung những điệu múa uyển chuyển, chuyên nghiệp. Những tràng vỗ tay đó cũng giống hệt như 4 năm về trước, tại nhà hát Opera với sức chứa hơn 1.000 chỗ ngồi của thành phố Donest, Ukraine, khán giả đã phải vỗ tay đến 6 lần khi chàng trai đó xuất hiện. Anh cũng đang được coi là “Đại sứ múa của Việt Nam”.

Đam mê đến tận cùng

(ANTĐ) - Nhà hát Lớn đêm 31-10, kỷ niệm 50 năm Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, những tràng vỗ tay rầm rập không ngớt khi chàng trai đó bước ra sân khấu, tung những điệu múa uyển chuyển, chuyên nghiệp. Những tràng vỗ tay đó cũng giống hệt như 4 năm về trước, tại nhà hát Opera với sức chứa hơn 1.000 chỗ ngồi của thành phố Donest, Ukraine, khán giả đã phải vỗ tay đến 6 lần khi chàng trai đó xuất hiện. Anh cũng đang được coi là “Đại sứ múa của Việt Nam”.

Cao Chí Thành, cái tên đó hẳn đã trở nên quen thuộc với những người quan tâm đến nghệ thuật múa. Lần đầu tiên trong suốt bao năm qua, Việt Nam có được một diễn viên múa đoạt giải tư cuộc thi ballet quốc tế Helsinki, vượt qua cả những nghệ sĩ múa chuyên nghiệp xuất sắc nhất thế giới từ các nước Ukranie, Nga, Pháp, Trung Quốc, Mỹ..., đến mức một khán giả người Ukranie phải nói: Chúng tôi không bao giờ biết đến Việt Nam lại có một nghệ sĩ múa hoàn hảo như Cao Chí Thành. NSND Công Nhạc, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nơi Thành làm việc cũng nhận xét: Thành là tài năng ballet số 1 Việt Nam. Gặp anh ngoài đời, xem những buổi luyện tập mới thấy rằng những phần thưởng mà anh đạt được là hoàn toàn xứng đáng. Đằng sau một vẻ bề ngoài hiền lành, có phần nhút nhát là một ý chí, nghị lực phi thường.

- Trông anh dạo này lãng tử quá, tóc dài qua vai. Đã đến lúc anh muốn thay đổi hình ảnh của  mình?

- Không. Tôi để tóc dài theo yêu cầu của đạo diễn người Thụy Điển. Chúng tôi đang tập vở. Khi nào diễn xong tôi sẽ quay về với mái tóc ngắn của mình.

- Cuộc sống của anh bây giờ thế nào. Anh vẫn đang được coi là ngôi sao của làng múa và được hưởng chế độ giữ người tài?

- Cũng bình thường như bao người khác thôi. Cả ngày trên sàn diễn luyện tập, rồi đi dạy học sinh... tôi thấy không có gì thay đổi cả.

- Năm nay anh vừa tròn 30, sắp chạm ngưỡng “về hưu” của diễn viên múa rồi?

- Đúng. Tôi cũng chỉ có thể diễn một vài năm nữa thôi. Tuổi nghề của diễn viên múa ngắn ngủi lắm, 30 là già rồi. Kinh nghiệm có thể nhiều hơn nhưng thể lực đã bắt đầu đi xuống.

- 7 năm học múa mà chỉ có thể cống hiến 10 năm. Anh có thấy chạnh lòng?

- Nhiều lúc cũng buồn lắm. Tôi bắt đầu học múa từ năm 12 tuổi. Đến 19 tuổi thì về Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, rồi tiếp tục đi học ở Trung Quốc 1 năm rưỡi. Như thế là gần 9 năm “dùi mài kinh sử”. Vậy mà 30 tuổi đã phải “về hưu”. ở nước ngoài, diễn viên múa có tuổi nghề lâu hơn, hơn 40 vẫn đi diễn là bình thường.

- Khác biệt ấy là gì?

- Họ có thể lực tốt hơn. Họ làm nghề mà không phải lo nghĩ một cái gì. Còn nghệ sĩ múa Việt Nam thì phải lo nhiều thứ trong đó không tránh khỏi chuyện “cơm áo gạo tiền”. Tiền lương không đủ sống, họ phải đi làm thêm nhiều nghề khác. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều, làm người diễn viên phân tâm và hao tổn về thể lực. Nếu một người nghệ sĩ có đủ điều kiện vật chất để sống và cống hiến cho nghệ thuật của mình chắc chắn sẽ gặt hái được nhiêu thành công.

- Nói một cách khác, nghệ sĩ múa cũng cần phải được đầu tư như... cầu thủ bóng đá?

- Về thể lực thì đúng như vậy. Nếu cầu thủ bóng đá phải tập ngoài sân cỏ và thi đấu trong 90 phút thì chúng tôi cũng phải căng cơ lên để luyện tập hàng ngày. Sức lực bỏ ra cũng không hề kém. Chỉ những người làm trong nghề mới biết được những đau đớn về thể xác mà diễn viên múa phải trải qua. Nhưng biết làm sao được. Bóng đá là môn thể thao vua mà nhiều khán giả ưa thích. Trong khi múa thì chỉ một bộ phận nhỏ người dân quan tâm.

- Vậy tại sao anh vẫn dấn thân vào nghề này, nhất là khi mình là đấng nam nhi?

- Đam mê. Niềm đam mê này đã ăn vào máu thịt mà tôi không thể rời bỏ. Khi còn nhỏ, được xem vở “Hồ thiên nga” tôi hâm mộ vô cùng những người nghệ sĩ múa và cũng khao khát được đi theo nghề múa. 12 tuổi, ngày nào tôi cũng dậy sớm đạp xe vào Mai Dịch học múa. Rồi những lúc tập mãi, trẹo chân, trẹo tay không xong một động tác nhưng vẫn phải cố gắng hết sức. Chính tình yêu này đã theo suốt tôi trong những năm qua và giúp tôi vượt qua những khó khăn, trở ngại.

- Và cả những lúc nản lòng?

- Cũng nhiều lần tôi nản lòng. Khi tôi bắt đầu ra trường, lương của tôi là hơn 500.000 đồng, lại có quá ít cơ hội để được diễn, thực sự tôi cảm thấy chán. Nhưng bố mẹ và chị gái đã động viên tôi rất nhiều, hãy cố gắng lên, theo đến cùng niềm đam mê của mình sẽ gặt hái được thành công. Và tôi đã trụ lại đến bây giờ.

- Mọi người như tiên lượng được thành quả mà anh đạt được. Còn anh, có phải trả giá?

- Có lẽ giá phải trả là buồn cho những người làm nghệ thuật múa, cố gắng luyện tập, biểu diễn nhưng... thấy thương cho các đồng nghiệp, thương cho bản thân mình. Tôi còn đỡ vì bố mẹ ở Hà Nội nên có chỗ ăn ở chứ nhiều bạn bè tôi còn phải thuê nhà, bao nhiêu thứ phải lo rất vất vả.

- Còn tai nạn nghề nghiệp?

- Đó là chuyện bình thường. Diễn viên múa chẳng mấy người không từng bị trẹo chân, trẹo tay, đau dạ dày, gai đốt cột sống. Đó là hậu quả của việc luyện tập quá sức. Có lần gần đến ngày diễn mà tôi lại bị giãn dây chằng, nhưng vẫn phải diễn, đau lắm.

- Anh có “ngại” không khi nhiều người cho là con trai có nhiều nghề lựa chọn hơn là làm nghề múa?

- Trước đây cũng nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại đi học múa và họ thường nghĩ nghề nghiệp sẽ làm con người mềm yếu đi. Tuy nhiên tôi lại cho rằng những người khác chắc gì đã mạnh mẽ bằng diễn viên múa. Quyết định đi học và theo đến cùng nghề múa đã là một sự dũng cảm: nghèo, khổ, đau đớn... nhưng vẫn theo. Cái mạnh mẽ nằm ở ý chí, sự quyết tâm, là lòng yêu nghề chứ không phải hình thức bề ngoài.

- Ngoài làm việc tại Nhà hát, anh có làm thêm gì không?

- Múa phụ họa cho ca sĩ, diễn tại các hội nghị và dạy thêm bên ngoài. Nhưng cũng không được nhiều lắm vì cát - sê của diễn viên múa ở mình rất thấp.

- Giải thưởng tại các cuộc thi, anh dùng làm gì?

- Giúp đỡ bố mẹ một ít. Các cụ đã già yếu rồi, tôi muốn phụ giúp bố mẹ một số điều kiện vật chất. Với những nghề khác thì đó là điều không quá khó nhưng với diễn viên múa, tự lo được cho bản thân đã là tốt lắm rồi chứ nói gì đến việc lo được cho bố mẹ, vợ con. Nghĩ cũng thấy buồn lắm. Còn giải thưởng có giá trị về mặt tinh thần nhiều hơn là vật chất. Đó là món quà lớn nhất mà tôi dành tặng cho bố mẹ mình.

- Nghe anh nhắc đến vợ con, anh đã có kế hoạch cho tổ ấm của mình chưa?

- Bạn gái tôi hiện đang học múa tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Có lẽ sau khi cô ấy ra trường chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới.

- Bạn gái trước đây của anh cũng trong nghề múa?

- Bạn gái tôi đều trong nghề múa. Cùng nghề dễ hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Thêm vào đó cũng giúp đỡ được cho nhau ít nhiều.

- Sắp “về hưu” rồi, anh định sẽ tạo lập cuộc sống và công việc như thế nào?

- Tôi sẽ cố gắng trở thành thầy giáo. Tôi đã tốt nghiệp khoa Huấn luyện múa, Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội. Và mục tiêu của tôi là lấy thêm bằng thạc sĩ.

- Anh từng nói muốn tạo được nhiều điểm nhấn trong cuộc đời mình, vậy điểm nhấn sắp tới là gì?

- Tôi sẽ tạo những điểm nhấn ở mảng khác như giảng dạy hay cùng những người bạn dàn dựng tiết mục. Tôi muốn truyền lòng yêu nghề cho các lớp trẻ sau này.

- Tôi thấy những diễn viên múa tài năng trước đây như Phạm Minh, Quỳnh Liên đều đã ra nước ngoài làm việc. Còn anh, nếu có lời mời anh có đi?

- Tôi rất thích học hỏi, “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà. ở các nước khác, nghệ thuật múa rất phát triển.

- Đã đi nước ngoài biểu diễn và thi thố nhiều. Điều gì làm anh nhớ nhất?

- Đó là lần đi diễn ở Ukraine, hôm đó trời rất lạnh mà tôi không mang nhiều áo rét. Thế là những người bạn Ukraine đã cho tôi mượn áo. Tôi cảm giác giữa những người làm nghệ thuật múa với nhau như có một tiếng nói chung, vượt qua được khoảng cách về ngôn ngữ.

- Thế còn hạnh phúc, những lúc nào anh thấy hạnh phúc nhất?

- Niềm hạnh phúc vô bờ của tôi là được đứng trên sân khấu biểu diễn. Sân khấu là người bạn tri âm, tri kỷ của tôi. Đứng trước hàng trăm khán giả, một mình bay lượn trên sân khấu với điệu nhạc du dương, những tràng vỗ tay của khán giả, tôi thấy lúc đó mình như thăng hoa, một cảm xúc không thể tả.

- Đó là trong công việc, ngoài đời thường, anh cũng có những niềm vui và sở thích riêng chứ?

- Niềm vui của tôi là được ở nhà với bố mẹ, anh chị em, là những lúc ở cạnh người yêu, bạn bè.

- Còn niềm vui du lịch thì sao?

- Tôi không dám nghĩ đến vì nó quá xa xỉ đối với tôi.

- Cảm ơn và chúc anh có nhiều phút giây  hạnh phúc!

Khánh Huyền

(Thực hiện)