Đảm bảo công bằng và hợp lý

ANTĐ - “Tôi ủng hộ việc quản lý chặt phương tiện cá nhân mua đi bán lại. Không làm bây giờ sau sẽ khó hơn. Nhưng…” - anh Nguyễn Hữu Trung (34 tuổi, ở Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) băn khoăn về việc xử phạt chủ phương tiện không làm thủ tục sang tên khi mua bán.

- Có ý kiến cho rằng khó xử phạt, ai cũng bảo mượn xe thì làm thế nào?

- Các cơ quan chức năng cần quy định rõ xem cần phải mang những giấy tờ gì khi đi xe mượn. Mà trường hợp lái xe thuê thì có bị phạt không? Theo tôi biết vi phạm về việc này không bị giữ xe, gặp người “cùn” cứ đứng cãi nhau thì mất cả ngày… Mà thời gian đầu các lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở người dân thôi.

- Theo anh, mức tiền phạt đã hợp lý chưa?

- Tôi nghĩ với chủ sở hữu ô tô cần phải phạt thật nặng còn xe máy thì nên giảm mức phạt vì hiện tại nhiều người lao động, thu nhập thấp thường sử dụng xe mua đi bán lại. Phạt cao thế người dân không dám đi ra đường, lãng phí lắm.

- Ngoài những người cố tình trốn thuế khi không làm thủ tục sang tên, vẫn có không ít người vì một số hoàn cảnh đặc biệt không thể tìm được chủ cũ hoặc chủ cũ đã mất thì sao?

- Tôi nghĩ ai cũng muốn đăng ký phương tiện theo tên mình. Các cơ quan chức năng cũng nên xem xét tạo điều kiện để những trường hợp không tìm được chủ hoặc chủ đã mất có thể đăng ký lại. Nếu không chẳng nhẽ một lượng lớn phương tiện phải “đắp chiếu”, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Mà các cơ quan chức năng cũng có phần lỗi không thể đổ hết cho dân được khi để hiện tượng mua xe không làm thủ tục sang tên quá phổ biến. Mua bán xe -  cả một tài sản thế mà chỉ cần hai người viết cho nhau một tờ giấy cũng được thì chắc chỉ có ở Việt Nam.

- Việc triển khai kiểm tra, xử phạt có quá gấp khi nhiều người còn chưa biết đến?

- Triển khai luôn cũng được nhưng tôi nghĩ cần bổ sung những ý kiến đóng góp của nhân dân để đảm bảo công bằng và hợp lý. Nếu không sẽ gây vất vả cho các lực lượng chức năng, đồng thời gây hoang mang cho người dân, như vậy không đạt hiệu quả cần thiết.