Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ diễn ra vào 8h ngày 7-11 với chủ đề “Hội nhập và Phát triển”.

Theo thông tin từ Hội đồng Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, lễ kỷ niệm nhằm nêu cao truyền thống lịch sử hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Đánh giá những thành tựu to lớn của Giáo hội đã đạt được trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phát triển tổ chức Giáo hội, chăm lo cho đồng bào Phật tử, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, 9 tổ chức hệ phái trong cả nước đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 2 hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự với gần 55 nghìn Tăn Ni, hơn 18 nghìn cơ sở tự viện, 50 triệu tín đồ và những người yêu mến đạo Phật.

Giáo hội đã thành lập 10 hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài và thiết lập mối liên lạc thường xuyên hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trải qua 8 nhiệm kỳ trong chặng đường 40 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đại diện duy nhất cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã có nhiều hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời, có nhiều thành tích tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc

Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới, hải đảo, vùng biển thiêng liêng của tổ quốc, Giáo hội đã khôi phục và xây dựng 9 ngôi chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Hàng năm, Giáo hội đã cử các vị sư tăng ra trụ trì các chùa ngoài đảo, sống cùng với quân và dân trên đảo để ngày đêm bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Trên biên giới đất liền, Giáo hội đã xây dựng các ngôi chùa ở vùng biên cương ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh, Kon Tum...đây là những cột mốc tâm linh, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Chùa Trường Sa Lớn

Chùa Trường Sa Lớn

Tại thông điệp của Hội đồng Chứng minh cũng nêu rõ, thời gian qua, Giáo hội đã tích cực chủ động trong hội nhập và quan hệ quốc tế góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đối ngoại nhân dân, ngoại giao văn hóa của đất nước. 3 lần tổ chức thành công các kỳ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vào các năm 2008, 2014, 2018 được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Trong gần 2 năm qua, 2020-2021, khi cả nhân loại phải trải qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, hơn bao giờ hết, tinh thần nhập thế, đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử của Phật giáo Việt Nam lại một lần nữa được viết tiếp vào sử sách. Tiếp nối truyền thống của thầy tổ năm xưa “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào” thì nay, Tăng Ni cũng đã “Gấp áo cà sa, khoác áo blouse” giam gia tuyến đầu chống dịch.

Hình ảnh Tăng Ni, Phật tử cùng các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân trong các khu cách ly, bệnh viện dã chiến thu dung, cũng như Tăng Ni, Phật tử các chùa nấu những bữa cơm yêu thương trong tâm dịch, túi an sinh, túi thuốc F0, trang thiết bị y tế...để chăm lo cho nhân dân với tinh thần đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân là trên hết, trước hết. Cũng như hình ảnh các vị Tăng đang ngày đêm thỉnh những tiếng chuông chủ quyền ở các chùa trên quần đảo Trường Sa, và những cột mốc tâm linh vùng biên giới, càng khẳng định tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thông điệp của Hội đồng Chứng minh tiếp tục nhấn mạnh, thời gian tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, ngoại giao văn hóa, tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế hiểu biết sâu, rộng về truyền thống văn hóa người Việt, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, nhằm xây dựng phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc....

Đại lễ kỷ niệm diễn ra theo hình thức trực tuyến qua hệ thống đường truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ điểm cầu Hà Nội kết nối điểm cầu TP.HCM và các điểm cầu đặt tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố.