Đã tìm ra “chìa khóa”, mở cánh cửa lịch sử bí ẩn về kiến trúc cung điện Hoàng thành Thăng Long?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dựa vào các cấu kiện gỗ, đặc biệt là các loại "Đấu xuyên tâm" và các loại "Bình áng" trong hệ đấu củng được sơn son màu đỏ, đào được tại di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu và khu vực điện Kính Thiên, hình vẽ kiến trúc cung điện trên đồ gốm xuất khẩu và tư liệu mô hình kiến trúc thời Lê sơ, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có đủ cơ sở khoa học tin cậy để xác định chắc chắn rằng, kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là phát hiện quan trọng, là chìa khóa nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Chiều 29/11, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội tổ chức khai mạc Trưng bày “Giải mã bí ẩn Kiến trúc điện Kính Thiên”.

Đây là kết quả nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên; quảng bá những thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội và đóng góp xã hội của Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam trong nghiên cứu khoa học Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 20 năm, góp phần quảng bá sâu rộng hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Hình ảnh 3D Điện Kính Thiên được phục dựng (ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Hình ảnh 3D Điện Kính Thiên được phục dựng (ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Hơn 20 năm về trước, năm 2002-2004, cuộc khai quật khảo cổ học lịch sử tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã đưa lại nhiều phát hiện quan trọng về lịch sử tồn tại của Kinh đô Thăng Long. Phát hiện này đã tạo ra một tiếng vang lớn trong dư luận xã hội và quốc tế, và Hoàng thành Thăng Long sau đó đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Từ đó, Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày Trưng bày “Giải mã bí ẩn Kiến trúc điện Kính Thiên” (ảnh: Phạm Sỹ)

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày Trưng bày “Giải mã bí ẩn Kiến trúc điện Kính Thiên” (ảnh: Phạm Sỹ)

Mặc dù, khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, minh chứng thuyết phục về sự tồn tại của Kinh đô Thăng Long qua 13 thế kỷ. Các dấu tích cung điện được các nhà khảo cổ xác định là kiến trúc gỗ, có quy mô to lớn, có bộ mái lợp ngói công phu, tráng lệ không thua kém kiến trúc các cung điện cổ ở Đông Á.

Tuy nhiên diện mạo, hình dáng cụ thể của các công trình kiến trúc đó vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Các công trình kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều không còn tồn tại trên mặt đất tất cả chỉ còn là những vết tích đang bị chôn vùi dưới lòng đất. Lịch sử diện mạo, quy mô, hình dáng kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa vẫn là điều bí ẩn của lịch sử.

Linh thú được đặt trên bộ mái cung điện, hiện vật được phục dựng lại từ các mảnh vỡ, đào được tại di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu (ảnh: Phạm Sỹ)

Linh thú được đặt trên bộ mái cung điện, hiện vật được phục dựng lại từ các mảnh vỡ, đào được tại di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu (ảnh: Phạm Sỹ)

PGS.TS Bùi Minh Trí- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết: Trong nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đã tiến hành một chương trình nghiên cứu giải mã những bí ẩn kiến trúc điện trong Hoàng cung Thăng Long, hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật với các chuyên gia nghiên cứu kiến trúc cổ nổi tiếng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mong muốn mang làm sáng rõ hơn giá trị khoa học của những phát hiện khảo cổ học, góp phần làm sâu sắc hơn những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Dựa trên bốn nguồn tư liệu: khảo cổ học, mô hình kiến trúc, tư liệu minh văn và tư liệu điều tra, nghiên cứu so sánh với các cung điện cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã từng bước nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.

Ngói lợp mái hình rồng, đây được xem là loại ngói đặc biệt chỉ có ở kiến trúc cung điện Hoàng Thành Thăng Long

Ngói lợp mái hình rồng, đây được xem là loại ngói đặc biệt chỉ có ở kiến trúc cung điện Hoàng Thành Thăng Long

Năm 2015, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phục dựng thành công hình ảnh 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý. Đây là lần đầu tiên hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn ngàn năm được tái hiện, giúp cho công chúng cảm nhận rõ ràng hơn về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa. Hình ảnh này đã được trình chiếu dưới Khu Trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.

Từ năm 2016-2021, Viện Nghiên cứu Kinh thành tiếp tục nghiên cứu phục dựng 3D tổng thể hình thái kiến trúc thời Lý của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Từ đây, bức tranh toàn cảnh về cung điện, lầu gác của thời Lý được tái hiện trên nền các vết tích khảo cổ học dưới lòng đất khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội gồm 64 công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, tường bao, cổng ra vào công trình cho thấy, đây là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác cực kỳ đặc sắc, được quy hoạch xây dựng rất bài bản, khoa học vào thời kỳ vàng son của vương triều Lý.

PGS.TS Bùi Minh Trí (trái) và các du khách tham dự khai mạc triển lãm

PGS.TS Bùi Minh Trí (trái) và các du khách tham dự khai mạc triển lãm

Kết quả nghiên cứu này đã cho thấy: Hoàng cung Thăng Long thời Lý vốn từng được xây dựng nguy nga, tráng lệ, có nhiều công trình kiến trúc gỗ to lớn, không thua kém với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở Đông Á, châu Á. Kết quả nghiên cứu này từng được công bố vào tháng 11/2021, được dư luận xã hội, giới khoa học trong nước và quốc tế đánh giá rất cao.

Mô hình điện Kính Thiên

Mô hình điện Kính Thiên

Viện Nghiên cứu Kinh thành tiếp tục đi sâu nghiên cứu so sánh về loại hình, chức năng, kỹ thuật lợp của các loại ngói khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt là đầu tư nghiên cứu học thuật về tên gọi, chức năng các loại cấu kiện gỗ, các loại ngói lợp mái, trang trí mái, nghiên cứu so sánh về loại hình kiến trúc, tỷ lệ chiều cao của công trình, kỹ thuật xây dựng và hình thái bộ mái, hình thái kiến trúc cung điện của các kinh đô cổ ở Đông Á.

Từ đó, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành từng bước giải mã kỹ thuật lợp ngói, kỹ thuật xây dựng hệ khung giá đỡ mái và tiến hành phục dựng hình ảnh 3D hình thái bộ mái, hình thái kiến trúc của thời Đại La, thời Đinh – Tiền Lê, thời Trần.

Bình hình rồng, biểu tượng của hoàng gia

Bình hình rồng, biểu tượng của hoàng gia

“Nghiên cứu hình thái kiến trúc là nghiên cứu về phong cách kiến trúc, nghệ thuật kiến trúc và phương pháp tiếp cận mang tính nền tảng đối với trường hợp điện Kính Thiên là nghiên cứu phân tích các nguồn tư liệu khảo cổ học đào được tại di tích, kết hợp với tư liệu sử học, tư liệu kiến trúc truyền thống ở Bắc Việt Nam và kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở các nước Đông Á. Trong đó, phương pháp nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái và các loại ngói lợp mái là những vấn đề khoa học quan trọng nhất”- PGS.TS Bùi Minh Trí nhấn mạnh.

Mặt đứng kiến trúc điện Kính Thiên

Mặt đứng kiến trúc điện Kính Thiên

Nghiên cứu hình thái kiến trúc cung điện cổ trong Hoàng cung Thăng Long nói chung, điện Kính Thiên nói riêng là vấn đề vô cùng khó, là những thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học bởi do các nguồn tư liệu không có nhiều. Trong suốt gần 4 năm qua, từ 2020 đến nay, dựa vào các nguồn tư liệu khảo cổ học, sử học và kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tập trung nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái và sau đó đã phục dựng thành công hình ảnh 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ.

Dựa vào các cấu kiện gỗ, đặc biệt là các loại Đấu xuyên tâm và các loại Bình áng trong hệ đấu củng được sơn son màu đỏ đào được tại di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực điện Kính Thiên, hình vẽ kiến trúc cung điện trên đồ gốm xuất khẩu và tư liệu mô hình kiến trúc thời Lê sơ, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có đủ cơ sở khoa học tin cậy để xác định chắc chắn rằng, kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là phát hiện quan trọng, là chìa khóa nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, "đấu củng" hay "kiến trúc đấu củng" là khái niệm không phổ biến, thậm chí còn xa lạ đối với nhiều nhà nghiên cứu. Các kiến trúc cung điện Việt Nam từ thời Đinh – Lý – Trần – Lê (từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18) đều không còn tồn tại. Các kiến trúc gỗ truyền thống của Bắc Việt Nam hiện còn phổ biến là ở các công trình kiến trúc tôn giáo, có kết cấu bộ khung kiểu kẻ truyền hay chồng rường, chồng rường giá chiêng.

Tuy nhiên trong số đó may mắn vẫn còn lại một số loại hình kiến trúc đấu củng. Các công trình tiêu biểu còn lại như: gác chuông chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình), đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), điện Thánh chùa Bối Kê (Thanh Oai, Hà Nội), cùng một số tàn dư đấu củng ở chùa Kim Liên (Ba Đình, Hà Nội), chùa Động Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương). Đây là những hình ảnh minh chứng xác thực rằng, kiến trúc đấu củng là một loại hình kiến trúc từng tồn tại trong lịch sử kiến trúc cổ Việt Nam.

Đấu củng là một loại kết cấu đỡ mái theo kỹ thuật chồng rường, nằm ở vị trí dưới mái hiên và mái nhà. Nó vừa có tác dụng mở rộng diện tích hiên nhà, vừa có khả năng chịu lực và vừa đóng vai trò trang trí tạo vẻ đẹp cho công trình. Bằng cách lắp ghép nhiều khung gỗ hình chữ nhật, đấu - củng có thể chuyển trọng lượng lớn của mái vào các cột đỡ, giúp kiến trúc đứng vững, không bị rung chuyển khi gặp các trận động đất.

PGS.TS Bùi Minh Trí nói thêm: “Từ khám phá này, chúng tôi đã có những chương trình hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia kiến trúc nổi tiếng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Quốc trao đổi học thuật, điều tra nghiên cứu so sánh kiến trúc cung điện cổ tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu so sánh về kỹ thuật, và kiểu thức kiến trúc, chúng tôi đã tiến hành phục dựng 3D kiến trúc điện Kính Thiên.

Đồng thời, nghiên cứu so sánh các loại ngói lợp mái, hình thái bộ mái, và dấu vết sơn son màu đỏ tươi và vàng thật tô vẽ lên trên các họa tiết hoa văn trên các cấu kiện gỗ đào được tại di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành cũng đã chứng minh rằng, kiến trúc cung điện thời Lê sơ vốn từng được thiết kế rất công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ với nhiều màu sắc lộng lẫy, mang vẻ đẹp quyền uy và thịnh vượng của vương triều, mang nét tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á đương thời, như cung điện ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokgung (Seoul - Hàn Quốc).

Kết quả nghiên cứu phục dựng cho thấy, Kính Thiên là toà điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng gồm 11 bậc, phân làm 3 lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá cũng chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn son màu đỏ sặc sỡ. Kiến trúc này có quy mô to lớn, thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và đầy quyền lực của vương triều”.

Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên, tòa chính điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ, là chương trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, công phu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” vừa được khai mạc chiều qua tại Bảo tàng Hà Nội là dịp công bố những thành quả nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành trong suốt gần 4 năm qua.

Tuy đây mới là kết quả nghiên cứu ban đầu, có phần còn mang tính giả định về mặt bằng kiến trúc và chắc chắn còn có nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, kiểm chứng trong tương lai, nhưng hình ảnh phục dựng điện Kính Thiên giới thiệu ở Trưng bày này được dựa trên rất nhiều cơ sở khoa học tin cậy, xác thực, giúp công chúng và giới khoa học có thể hình dung rõ ràng hơn về vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa cùng với những nét tương đồng và sự khác biệt đặc sắc của kiến trúc cung điện Việt Nam trong lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á. Thành quả nghiên cứu ban đầu này được xem là một bước tiến dài trong lịch sử nghiên cứu, đánh giá giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 20 năm khai quật, nghiên cứu khảo cổ học.

PGS.TS Bùi Minh Trí- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành

PGS.TS Bùi Minh Trí- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành

"Đây không chỉ là thành tựu của Viện Nghiên cứu Kinh thành mà còn là kết quả minh chứng điển hình và sinh động cho những thành tựu nghiên cứu khoa học và đóng góp chung cho xã hội của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trong hành trình 70 năm xây dựng và phát triển. Thành tựu nghiên cứu phục dựng hình ảnh 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên công bố trong dịp này là kết quả có ý nghĩa chào mừng 70 năm thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (ngày 02/12/1953-12/12/2023)"