Đã đến lúc thẳng tay

ANTĐ - Trong mấy năm gần đây, người tiêu dùng vô cùng hoang mang, trước những thông tin về các loại thực phẩm từ gừng, rau củ quả cho đến thịt, gia cầm, cá từ Trung Quốc sử dụng hóa chất độc hại, chất tăng trưởng tràn lan trên thị trường. Ngay cả thực phẩm sản xuất trong nước cũng không đảm bảo độ an toàn khiến người dân không biết tin vào đâu. Cả một vấn đề hệ trọng liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người dân mà vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu từ các cơ quan quản lý.

Quyền Viện trưởng Bảo vệ thực vật cũng tỏ ra băn khoăn về hóa chất bảo quản hoa quả từ Trung Quốc. Không biết họ dùng hóa chất bảo quản và công nghệ gì đặc biệt để hoa quả sau khi thu hoạch có thể để hàng tháng không hỏng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay người ta sử dụng nhiều hóa chất bảo quản, làm chín trái cây. Khi thu mua, họ mua cả vườn cây chứ không chờ cho quả chín rộ để hái. Lúc chở quả về có quả xanh, quả chín nên phải dùng hóa chất thúc chín đồng loạt, trông rất đẹp mã.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết thêm, hiện nay các nước không xuất khẩu quả chín cây vì rất khó bảo quản, chất lượng giảm nhanh. Vì thế khi chuối, hồng xiêm, sầu riêng, mít, đu đủ… còn ương, họ hái trước về để ủ. Ở nước ta, người trồng thường dùng đất đèn, hương để ủ cho quả chín. Trên thế giới, nhiều nước như Mỹ, Australia, EU dùng hóa chất an toàn có nguồn gốc từ hormone thực vật, axit hữu cơ.

Việc không xác định được hóa chất bảo quản trái cây khiến người tiêu dùng hết sức lo sợ về sự an toàn. Ông Cục trưởng khẳng định chưa cấp phép cho một đơn vị nào buôn bán, sử dụng nhóm hóa chất điều hòa sinh trưởng, kích thích quả chín. Ở phía Nam, mới đây, một số hoạt chất bảo quản được nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc. Qua phân tích, đó là một loại hoạt chất hòa vào dung dịch, làm trái cây chín rất bắt mắt, nhưng ở ta chưa có doanh nghiệp nào đang ký thương mại, vì vậy đây là thuốc “ngoài luồng”. Bộ trưởng Nông nghiệp nhấn mạnh, vấn đề không chỉ là “gác” ở cửa khẩu, mà ở trong nước, cần tổ chức kiểm soát, làm cho rõ nông sản, trái cây dùng  hóa chất gì để bảo quản, thúc chín. Lâu nay, người tiêu dùng chưa từng được trang bị kiến thức để phân biệt đâu là thực phẩm sạch, thực phẩm sử dụng chất tăng trưởng hoặc có dư lượng thuốc trừ sâu, bảo quản, tăng trọng…

Những gì đang diễn ra ở Việt Nam cũng gần giống với thực trạng ở Trung Quốc khi người dân mất niềm tin, quá sợ hãi với thực phẩm nhập khẩu lẫn nội địa. Từ cuối năm 2012, Trung Quốc đã thành lập Ủy ban Kiểm tra liên ngành, hoạt động độc lập, không liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan này thẳng tay trừng trị rất nặng những cơ sở sản xuất dùng phụ gia công nghiệp, hóa chất độc hại. Ở nước ta, đã đến lúc không thể kêu gọi đạo đức suông mãi.