Đã có đà phục hồi

ANTĐ - Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng quý 2 cao hơn quý 1, quý 3 cao hơn quý 2, tăng trưởng năm 2013 có thể đạt 5,3-5,4%, là một sự cố gắng lớn. Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định tình hình kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng qua so với cùng kỳ năm trước tăng 6,83%, doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5,3%, thấp hơn năm trước. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng là bộ phận lớn của tổng cầu, có tác động quan trọng tới lạm phát, nhập siêu và tăng trưởng kinh tế. Tổng cầu góp phần kiềm chế nhập siêu, chuyển từ mức nhập siêu rất cao giai đoạn 2006-2011 lên tới 67,5 tỷ USD, đến nhập siêu thấp trong 9 tháng 2013 còn 124,3 triệu USD. Tổng cầu yếu còn góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đảm bảo an toàn tài chính, tăng tính thanh khoản, ổn định tỷ giá và củng cố lòng tin vào đồng tiền quốc gia. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, tổng cầu yếu lại là một trong những yếu tố quan trọng làm cho tồn kho hàng hóa không vơi đi, sản xuất kinh doanh còn gặp không ít khó khăn. Tăng trưởng GDP 9 tháng ở mức 5,14% thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết Quốc hội đề ra. V

ề mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ khẳng định đang tích cực triển khai và bước đầu đạt một số kết quả. Song, nỗi lo chính là kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thật vững chắc, lạm phát tuy được kiềm chế, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt thu ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, tiến độ thu thấp so với dự toán. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng vẫn chậm và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Trước phiên họp thường kỳ của Chính phủ, liên tiếp diễn ra các cuộc hội thảo với nội dung chính là phân tích, đánh giá tình hình kinh tế và tổng hợp ý kiến để báo cáo lên hội nghị Trung ương 8.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần hết sức quan tâm tới các yếu tố tạo nên động lực cho tăng trưởng kinh tế nằm trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bản thân cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhận định, kinh tế vĩ mô tuy ổn định nhưng có nhiều yếu tố tạm thời. Kinh tế nước ta đã “hạ cánh” quá mạnh mà lẽ ra có thể “hạ cánh” mềm hơn, tức là giảm tốc độ từ từ thì sẽ đỡ gây sốc cho giới doanh nghiệp. 

Một điều đáng mừng, theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng lên, chỉ số kinh tế vĩ mô cải thiện 9 bậc. Tình hình kinh tế 9 tháng dù còn mặt này, mặt khác chưa được như mong muốn, song điều quan trọng là đã có đà phục hồi, phát triển.