Thi THPT quốc gia 2016

Đã bớt vất vả, tốn kém cho thí sinh

ANTĐ -  Đã bước qua các môn thi bắt buộc, hơn 860.000 thí sinh cả nước chỉ còn đối mặt với môn thi tự chọn, vốn được coi là sở trường để ghi điểm phục vụ xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển ĐH, CĐ. Ghi nhận qua 2 ngày thi cho thấy, kỳ thi năm nay đã thực hiện được mục tiêu hạn chế tốn kém, vất vả cho thí sinh và phụ huynh. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM giảm đáng kể áp lực giao thông, nhà trọ...

Hết cảnh dịch vụ ăn theo mùa thi

“Ban đầu tôi cứ lo đi muộn sợ tắc đường sẽ trễ giờ thi của cháu, nhưng năm nay giao thông thông thoáng, đến trường thi thì nhận được sự giúp đỡ của các bạn sinh viên tình nguyện từ nước uống, quạt mát, chỗ nghỉ chân… nên phụ huynh cảm thấy bớt căng thẳng, hồi hộp hơn so với những năm trước” - phụ huynh thí sinh Nguyễn Thị Thảo, trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Đông cho biết.

Năm nay, lượng thí sinh đổ về Thủ đô cũng như các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ… giảm mạnh nên sức ép về phòng trọ cũng không căng thẳng như các năm trước. Với giá thuê phòng 100.000 đồng/người/ngày phụ huynh có thể tìm được chỗ trọ sạch sẽ có thể đi bộ đến địa điểm thi mà không phải ở chung, ở ghép. Đặc biệt, có rất nhiều nhà trọ cho thí sinh ở miễn phí nhưng năm nay lại rơi vào tình trạng “ế khách”.

Ông Trần Quang Hòa (phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy) cho biết, 5 năm nay gia đình đã cho thí sinh thi ĐH trọ miễn phí, nhưng năm nay không có cháu nào đến nhận phòng. Tuy “ế  khách” nhưng ông Hòa rất vui vì như thế có nghĩa là thí sinh và người nhà không phải đi xa để dự thi, đỡ vất vả, tốn kém. “Chưa biết kết quả kỳ thi ra sao nhưng bước đầu thấy được là người dân bớt vất vả, không phải bán thóc, bán gạo lấy tiền đưa con ra Thủ đô đi thi là đã đáng mừng rồi” - ông Hòa chia sẻ.

Gặp gỡ các phụ huynh đứng chờ con tại các điểm thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đều hỏi thăm có phải đưa con đi thi xa không, có bị tắc đường không, có phải thuê trọ trong mấy ngày thi không? Sở dĩ Bộ trưởng hỏi như vậy là vì năm nay, để hạn chế những vất vả này, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các cụm thi ngay tại địa phương để vừa đảm bảo thí sinh không phải dự thi quá xa, vừa đảm bảo công bằng, khách quan trong công tác tổ chức thi. 

“Chúng tôi đã tính toán sao cho đảm bảo an toàn chất lượng của kỳ thi ở cả cụm thi xét tốt nghiệp THPT lẫn cụm thi xét tuyển ĐH. Theo đó, Bộ đã điều chỉnh đảm bảo cán bộ coi thi, các ĐH, học viện phải rải đều các cụm thi. Cách đổi mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thi sinh, phụ huynh không phải đi xa để dự thi. Còn về phía nhà trường, lúc đầu thầy cô còn băn khoăn phát sinh chi phí đi lại, vất vả cho giám thị phải di chuyển làm việc tại các địa phương khá xa nhưng xét trên bình diện tổng thể, đây là nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội của ngành giáo dục, của các trường ĐH nên các trường và thầy cô đều nghiêm túc thực hiện. Để hỗ trợ thầy cô hoàn thành nhiệm vụ, Bộ đã đề nghị lãnh đạo các địa phương phối hợp, tạo điều kiện, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho thầy cô trong quá trình làm nhiệm vụ” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết. 

Kỳ thi tạo sự nghiêm túc trong xét tốt nghiệp

Nếu như với thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH thì việc nghiêm túc học tập, rèn luyện để đạt mục tiêu đặt ra là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với không ít thí sinh vốn chỉ có nhu cầu được xét tốt nghiệp THPT thì việc học và thi có thể phần nào lơ là hơn. Thực tế cho thấy qua 2 năm tiến hành thi THPT quốc gia, các thí sinh thuộc đối tượng này đã phải thay đổi cách nghĩ. “Tôi đã đưa con đi thi tốt nghiệp năm nay là năm thứ ba. Có thể thấy, nếu không nghiêm túc học thì cơ hội nhận bằng tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng xa” - một phụ huynh đưa con đi thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ở trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa chia sẻ. 

Việc thi để đỗ tốt nghiệp với những thí sinh ở các cụm thi địa phương 2 năm nay cho thấy, mục tiêu này hoàn toàn không dễ thực hiện. “Không chỉ giám thị coi thi ngặt nghèo, đúng quy chế mà đề thi đối với chúng em hoàn toàn không dễ để đạt điểm trung bình. Nhiều bạn chỉ cốt làm sao tránh được điểm liệt, chỉ đạt 1,25 điểm là coi như “thoát”. Nhưng với cách ra đề năm nay, từ môn Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn thì chắc chắn không phải bạn nào cũng có thể vượt qua được kỳ thi này” - thí sinh Lê Mai Hương ở điểm thi THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân tâm sự.

Cho rằng đề Toán đã khó, đề Tiếng Anh còn dài và khó hơn nên đề Ngữ văn sẽ là phao gỡ điểm, nhưng trưa 2-7, sau khi kết thúc môn Ngữ văn, nhiều thí sinh ở điểm thi Phan Huy Chú cho biết, các bạn đều bị “lệch tủ”. Trước tiên là ở phần nghị luận xã hội, nhiều thí sinh chỉ xem thời sự trước thời điểm dự thi để nắm bắt các vấn đề có khả năng đưa vào đề thi. Nguyễn Vân Anh, thí sinh ở điểm thi này cho biết, em quan tâm nhất vẫn là vấn đề môi trường biển đảo và hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, vấn đề Biển Đông hay sự kiện Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam… Tuy nhiên, đề thi hoàn toàn không liên quan gì đến những sự kiện đó.

Phần đọc hiểu rơi vào tác phẩm “Tiếng Việt” cũng không phải là tác phẩm nằm trong suy nghĩ của nhiều thí sinh. Phần làm văn yêu cầu phân tích tình huống trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân để nói lên khát vọng bình thường của con người đòi hỏi thí sinh trước tiên phải nắm rõ tác phẩm mới có thể làm được bài.

Với câu hỏi 4 điểm này nhiều thí sinh sẽ mất điểm hoàn toàn nếu không tìm hiểu và nhớ rõ tác phẩm vì đề thi không tạo ra cơ sở để có thể “bịa” được. Đa số thí sinh nhận xét đề năm nay không quá khó nhưng hơi bất ngờ vì nằm ngoài dự đoán. Thậm chí có giáo viên cũng cho rằng đề thi khá “truyền thống”, không có tính mới mẻ và chưa cập nhật tính thời sự xã hội cũng như các vấn đề thực tiễn. 

3 môn thi bắt buộc đã kết thúc, những thí sinh chỉ học cầm chừng để được xét tốt nghiệp THPT cũng không dễ đạt được kết quả mong muốn. Không chủ quan, võ đoán, học lệch, học tủ là điều mà tất cả các thí sinh có thể rút ra qua cách ra đề và tổ chức thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay đến thời điểm này.

Nhiều thí sinh sử dụng tài liệu bị đình chỉ

Trong khi 2 buổi thi đầu tiên, cả nước chỉ có 64 trường hợp bị đình chỉ thi thì riêng buổi thi môn Ngữ văn sáng 2-7, các hội đồng thi đã phải xử lý kỷ luật 89 trường hợp với mức độ nặng nhất, đình chỉ thi. Đa số các trường hợp này đều mang tài liệu vào phòng thi.

Cá biệt, theo thông tin từ ông Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác chính trị, ĐH Bách khoa Hà Nội, trong khi thi môn Ngữ văn, một thí sinh ở điểm thi ĐH Kinh tế quốc dân bị phát hiện quay cóp nhưng không chịu ký biên bản. Tuy nhiên, ông Hải cho biết, quy chế thi đã quy định rõ, chỉ cần 2 giám thị ký và một người thứ ba chứng kiến thì biên bản vẫn có giá trị nên giám thị phòng thi đã yêu cầu một thí sinh chứng kiến, ký vào biên bản. 

Đề thi Ngữ văn đảm bảo sự phân hóa

 “Đề thi Ngữ văn năm nay rất thú vị bởi vừa sức với trình độ học sinh, bám sát chương trình cơ bản nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa. Đề thi đề cập đến vấn đề rất gần gũi và mang tính thời sự cao về vẻ đẹp của Tiếng Việt và lối sống của con người trong xã hội hiện đại qua văn bản thứ nhất là một đoạn trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ. Học sinh chỉ cần đọc kĩ đề và làm bài cẩn thận sẽ dễ dàng đạt điểm tối đa. Văn bản thứ hai đề cập đến một vấn đề khá nhức nhối của xã hội hiện đại là lối sống “tuyệt đối cá nhân”.

Đây cũng là đoạn văn quen thuộc nhưng cách hỏi khá mới mẻ, gây hứng thú. Nếu học sinh không đọc kĩ sẽ dễ bị nhầm lẫn và mất điểm. Sự phân hóa của đề thi trong phần đọc hiểu được thể hiện khá rõ. Câu 1,2,3,5,6 dừng lại ở mức độ nhận biết, học sinh trung bình có thể làm được; câu 4,7,8 nâng lên ở mức độ cao hơn là thông hiểu, yêu cầu trình bày suy nghĩ, tình cảm, quan điểm là ở mức độ vận dụng. 

Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến cho rằng “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”. Học sinh chỉ cần nắm chắc kĩ năng là có thể làm tốt”. 

Cô Dương Thị Mai Hương (Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa)