Cứu một con người, làm lại một cuộc đời

ANTĐ - Trong cơn bão dữ, Đại tá Hoàng Quốc Trị - Giám thị Trại giam Đồng Sơn cùng các cán bộ quên hẳn hiểm nguy, chỉ nghĩ đến việc cứu sống phạm nhân. Hành động đó không chỉ cứu sống một con người, mà là cứu vãn một cuộc đời.   

“Là một người đã phạm tội nhiều lần và cũng trải qua 4 lần vào trại giam, cuộc đời của tôi tưởng chỉ còn một màu xám xịt. Cho tới khi chứng kiến một Giám thị đội mưa, lội nước giữa cơn bão dữ để cứu sống mình, tôi chợt thấy ánh sáng lóe lên…”. Đó là lời tâm sự của phạm nhân Đặng Thế Tấn, phân trại 1, Trại giam Đồng Sơn, Bộ Công an.

Cứu một con người, làm lại một cuộc đời ảnh 1
Phạm nhân Đặng Thế Tấn kể lại câu chuyện được Giám thị cứu thoát chết trong bão
Tai nạn bất ngờ
Trở lại Trại giam Đồng Sơn, đóng tại phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới, Quảng Bình những ngày sau khi cơn bão số 10 và 11 đã đi qua, trái ngược với quang cảnh hoang tàn, đổ nát bởi sức tàn phá của thiên nhiên, lúc này đây, mọi thứ dường như đang được hồi sinh. Những cây cổ thụ gãy đổ, bật gốc giờ cũng được dựng lại và vươn mầm sống, những ngôi nhà tốc hết mái cũng đã được thay mới, hệ thống điện, nước và cơ sở để phục vụ công tác giáo dục, cải tạo, phục vụ đời sống của cán bộ chiến sỹ cũng như phạm nhân đã trở lại hoạt động bình thường. Chỉ mới mấy ngày trước thôi, nhìn cảnh hoang tàn, đổ nát ai cũng cám cảnh. “Gần như toàn bộ hệ thống cây xanh hàng chục năm tuổi đã bị bão quật bật gốc, 90% mái nhà làm việc của đơn vị, khu sinh hoạt và nhà giam giữ bị tốc mái. Các công trình điện, nước và nhà xe bị sập hoàn toàn. Quang cảnh đơn vị như vừa hứng chịu trận B52. Thiệt hại vô cùng lớn...”, Đại tá Hoàng Quốc Trị  - Giám thị Trại giam Đồng Sơn(ảnh) kể lại. Sau bão, cả trại bắt tay ngay vào việc khắc phục và chỉ trong thời gian ngắn, bằng nội lực và quyết tâm của mỗi cán bộ chiến sỹ, đã khôi phục phần nào thiệt hại, tiếp tục nhiệm vụ quản lý, giáo dục phạm nhân đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đến bây giờ Đại tá Hoàng Quốc Trị mới có được phút thảnh thơi, an lòng, bởi dù thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở vật chất tại đơn vị, nhưng may mắn không có thiệt hại về người. “Cây cối đổ rạp, hệ thống điện lưới bị mất hoàn toàn, thậm chí nhà bị sập nhưng cả ngàn phạm nhân đang được giam giữ tại đây đều được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chế độ chính sách được đảm bảo, không ai đói rét và cũng không để xảy ra sơ hở để phạm nhân lợi dụng trốn trại hoặc vi phạm nội quy trong thời điểm xảy ra mưa, bão”, Đại tá Hoàng Quốc Trị phấn khởi.  Về chuyện Đại tá Hoàng Quốc Trị cùng anh em trong đơn vị xả thân cứu phạm nhân,  Trung tá Phạm Hữu Long, Đội tưởng Đội Tham mưu, Trại giam Đồng Sơn nhớ lại: “Khoảng 16h45 ngày 16-10, trong khi chuẩn bị chia cơm cho phạm nhân tại bếp ăn Đội 11, phân trại 1 thì sức gió quá mạnh làm tốc mái tôn. Mảng tôn lớn rơi xuống cắt đứt động mạch chủ bắp chân sau của phạm nhân Đặng Thế Tấn, máu ra rất nhiều và nếu không tổ chức cấp cứu kịp thời phạm nhân Tấn khó thoát khỏi cái chết. Khi phát hiện sự việc, đồng chí Giám thị và đội trực chiến đã tổ chức ngay việc cứu người. Mưa to, gió lúc đó giật trên cấp 12, dọc con đường chúng tôi đi vào phân trại 1 là ngổn ngang cây đổ rạp, cột điện gãy đỗ, những tấm lợp bay rất nguy hiểm. Khi đưa phạm nhân Tấn lên bệnh xá phạm nhân thì bệnh xá đã bị bão làm sập mái nên phải chuyển đến bệnh xá của cán bộ ở khu trung tâm chỉ huy để sơ cứu. Tuy nhiên, do tôn cắt ở phía sau bắp chân làm đứt gân và mạch máu nên không thể cầm máu, nhiều phương tiện máy móc, dụng cụ y tế tại đơn vị đã bị bão làm hư hỏng không thể sử dụng được. Phương án duy nhất là cần chuyển gấp phạm nhân lên bệnh viện tuyến trên mới có thể cứu được mạng sống. “Phải tổ chức đưa tới bệnh viện trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, Đại tá Trị cương quyết. 
Cứu một con người, làm lại một cuộc đời ảnh 2
Lá thư cảm ơn của phạm nhân Đặng Thế Tấn
sau lần được Giám thị Trại giam Đồng Sơn cứu mạng
Vượt bão bằng tình người
Con đường độc đạo dẫn từ tuyến đường Hồ Chí Minh vào trại đã bị tắc do cột điện và hàng loạt cây ngã, đổ chắn hết đường đi khiến mọi phương tiện không thể qua lại được, trời cũng đã nhá nhem tối còn hệ thống điện cũng bị tê liệt. Lúc này, vết thương chảy máu càng nhiều, phạm nhân Tấn bắt đầu rơi vào hôn mê. “Chúng tôi cũng đã liên hệ với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn của tỉnh và sự giúp đỡ của các phương tiện bên ngoài, tuy nhiên mọi hoạt động lúc này đã rơi vào tê liệt bởi sức tàn phá khủng khiếp từ cơn bão và không thể tiếp cận để cứu người, mọi thông tin liên lạc với bên ngoài cũng bị cắt đứt. Lúc xảy ra sự việc lại đúng thời điểm cường độ bão mạnh, chúng tôi tổ chức cứu người ngay trong bóng tối mù mịt và mưa, gió với sức giật trên 12. Ngoài đường không một bóng người”, Đại tá Trị kể lại. Phải chuyển bằng cáng, trực tiếp đồng chí Giám thị cùng với 5 đồng chí cáng phạm nhân Tấn vượt bão. “Nằm trên cáng lúc tỉnh lúc mê tôi nghe thấy tiếng lội nước, tiếng nói của các cán bộ nói là cố lên, cố lên gần đến nơi rồi. Cả những lúc phải luồn cáng qua những cành cây để đi qua, lúc này tôi nghe được nhiều tiếng kêu của cán bộ bị cành cây đâm phải và gãy đổ đè lên người nhưng tay vẫn không rời cáng…”, phạm nhân Thế kể lại. Để vượt được quãng đường gần 5 km từ đơn vị ra đến đường Hồ Chí Minh mất hơn 3 giờ đồng hồ luồn, lách qua loạt cây đang đổ rạt bên đường, mưa gió lớn và có đoạn nước ngập đến trên 1m; một số đồng chí đã chuẩn bị rựa từ trước để chặt cây gãy đổ thông đường cho tổ cáng phạm nhân dễ di chuyển. “Đồng chí Giám thị vừa cáng vừa tiên phong dẫn đường và hô hào cùng tổ cáng quyết tâm bằng mọi giá phải cứu sống được phạm nhân này. Đây như động lực để anh em chúng tôi càng thêm quyết tâm, ý chí vượt qua nguy hiểm và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”, Đại úy Trương Khải Hưng kể.  Ra đến đường Hồ Chí Minh thì vắng bóng không một phương tiện qua lại, cả tốp tiếp tục cáng đưa phạm nhân di chuyển gần 1km vượt qua những chướng ngại vật trên đường để tìm kiếm phương tiện hỗ trợ. Phát hiện chiếc xe bán tải cũng đang đi chở người nhà tránh bão, đồng chí Giám thị đã vẫy xe và yêu cầu chủ phương tiện khẩn trương chở người đi cấp cứu kịp thời; đồng thời bố trí ngay 1 tổ 5 đồng chí cùng theo xe mang theo rựa để chặt cây gãy đổ chắn đường, kịp thời cấp cứu tại bệnh viện.  Được cấp cứu kịp thời, Đặng Thế Tấn qua được cơn nguy hiểm, và giờ thì đã bình phục hoàn toàn. Trong lá thư cảm ơn mà Tấn mạo muội gửi đến cảm ơn tấm lòng của vị Giám thị viết: “Qua những hành động đó, phạm nhân thấy mình phải cố gắng hơn nữa để sống xứng đáng hơn. Phạm nhân xin được ngàn lần cảm phục tấm lòng nhân ái của Giám thị, xin hứa sẽ trân trọng mạng sống của mình vì mạng sống này là tâm sức của bao nhiêu người dành cho. Phạm nhân nợ các cán bộ mạng sống của mình… Và phạm nhân xin hứa cải tạo tốt sớm về với cộng đồng để có cơ hội đền ơn đó…”.