Cuộc sống nuôi dưỡng đam mê!

(ANTĐ) - Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân đến nay không còn vô danh trong địa hạt âm nhạc mà anh cùng một số ít người cùng anh đam mê đeo đuổi.
Phải vậy chăng mà chính anh cũng không thể nhớ hết bao cái tittle báo đã từng gắn với anh: “Gã Judas của nhạc cổ điển, Người nấu “lẩu nhạc”, Người tạo ngôn ngữ mới cho âm nhạc Việt Nam, Người nghệ sỹ và cuộc chơi với tiếng ồn. Người giới thiệu nghệ thuật sắp đặt âm thanh”…
Cuộc sống nuôi dưỡng đam mê! ảnh 1
- Lâu quá rồi, anh thu mình và “né” báo chí cũng khá giỏi đấy chứ? - (Cười) Tháng 4 vừa qua tôi cùng với Trí Minh có làm chung với nhau Ngày hội âm thanh Hà Nội 2011 (Hanoi Sound Stuff Festival 2011) đấy chứ; vẫn mải miết với công việc đưa âm nhạc điện tử đến gần hơn với công chúng. Lúc này đây tôi đang tập trung làm nhạc phim kinh dị có tên “Lời nguyền huyết ngải” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, cũng đang trong quá trình làm hậu kỳ.
Năm ngoái chúng tôi có thực hiện một dự án âm nhạc, tôi đã cùng với đoàn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam diễn 3 tuần tại Hà Nội và TP.HCM; sau đó di chuyển sang Mỹ diễn 3 tuần lại Los Angeles. Chúng tôi đang đàm phán tiếp để triển khai một chương trình nữa ở Mỹ vào năm sau. Ngoài ra tôi vẫn diễn các show nhỏ, còn công việc giảng dạy âm nhạc điện tử và dạy sáng tác cho khoa nhạc Jazz ở Học viện. 
- Với cái gốc là nhạc cổ điển, rồi đeo đuổi sự cách tân, giờ thì nhất cử nhất động của anh đều là âm nhạc điện tử?- Ngày trước tôi học 2 chuyên ngành riêng biệt là sáng tác và lý luận âm nhạc. Cuộc chuyển giao diễn ra từ năm 2000, khi đó tôi đi học ở Đức, lúc đấy mới có âm nhạc điện tử, mới có máy tính. Tôi được tham dự 2 lớp học: Âm nhạc điện tử ngẫu hứng và Âm nhạc máy tính. Tôi ngạc nhiên kinh khủng bởi cái máy tính (ngày đó còn rất thô sơ, ổ cứng cũng chỉ được 4,3GHz, RAM 4K, gõ được 1 âm thanh là máy đã treo rồi) cũng có thể làm nhạc được, vậy là tôi mê mẩn từ đấy! - Một câu trả lời thẳng thắn từ anh về nguồn cội của vấn đề?- Khi còn đi học tôi đã nhận thấy phương pháp giảng dạy và cách tiếp thu âm nhạc cổ điển quá gò bó và phải theo khuôn khổ. Và chính tôi muốn thoát khỏi những chuẩn mực và khuôn phép của những giáo trình âm nhạc cổ điển khô khan ấy. Đó cũng là lý do người ta bảo tôi là gàn và lên án khá gay gắt. (Cười) Cái tôi cần đó là phải tìm kiếm cách biểu đạt con người, cá nhân, bản thể của chính mình. - Nghệ thuật anh chọn, con đường anh đi giờ đã bớt đơn độc hơn chưa? - Thực ra vẫn còn đơn độc bởi số người làm cũng không có nhiều. Ngày xưa có bao nhiêu người làm thì nay vẫn thế, không tăng và cũng không giảm đi. Ban đầu, tôi gặp khó khăn trong việc phổ biến các tác phẩm ở trong nước. Hiện tại, tôi đã tìm được một số cộng sự có chung niềm đam mê. Điểm đáng mừng là về mặt khán giả chúng tôi đã có nhiều hơn, hoạt động 10, 15 năm nay cũng có công chúng. Nhưng so với tổng dân số và giới trẻ vẫn rất là nhỏ, tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, cùng lắm là thêm Huế và Đà Nẵng.- Anh đã chán vì mỏi mòn cống hiến, quảng bá vẫn chưa hiệu quả?- Chán thì chán từ lâu rồi. Cũng phải thẳng thắn rằng hoạt động của tôi và nghệ sỹ Trí Minh không hoàn toàn ở trong nước. Một phần lớn trong số đấy là hoạt động ở nước ngoài. Khán giả của chúng tôi rộng và không bị bó hẹp, nghĩa đen là thị trường “open” hơn. Hơn nữa là một phần các dự án âm nhạc của tôi đều được thực hiện với các đối tác nước ngoài. - Khi làm việc với các nghệ sỹ nước ngoài, anh có thấy khoảng cách hay sự khác biệt về đẳng cấp? - Về mặt nghề nghiệp thì không nhiều, nhưng về mặt tâm lý thì có. Khoảng cách đến ngay từ phía đối tác, điều tác động mạnh đến cách nhìn của họ là mình đang ở trong một bối cảnh nghệ thuật của quốc gia mà sự phát triển còn chưa cao, số người hoạt động nghệ thuật thật sự rất mỏng. Đó là cái tâm lý đầu tiên không thể xóa được. Đương nhiên họ giao tiếp thì lịch sự, còn mình thì làm việc sòng phẳng bởi nghề nghiệp không có nhiều cách biệt. - Nghệ thuật cũng cần cạnh tranh, anh cũng mời các nghệ sỹ nước ngoài về Việt Nam biểu diễn để thể hiện một sự “ngang phân” trong nghề nghiệp đấy thôi?- Thực chất về mặt nghề nghiệp không có khác biệt gì đâu, thậm chí là tương đương. Nếu so sánh các Festival âm nhạc được tổ chức tại Việt Nam hay các quốc gia trên thế giới không có sự khác biệt. Nếu có thì chỉ ở quy mô ngân sách. Ngân sách cho một Festival của mình chỉ bằng 10-15% so với họ mà mình vẫn làm được. Nhiều nghệ sỹ nước ngoài cũng lấy làm ngạc nhiên với ngân sách vậy mà chúng ta vẫn làm được. Đó là sự khác biệt, và chính sự khác biệt đó cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý chứ. Mình cũng không đủ tiền để trả cho họ sang trình diễn, mà đa phần là biểu diễn miễn phí. - Chất liệu chính và quan niệm trong âm nhạc, sáng tác của anh?- Với riêng cá nhân tôi, tất cả mọi âm thanh nghe được từ cuộc sống hiện tại diễn ra xung quanh chúng ta đều có thể coi là âm nhạc. Đừng coi âm nhạc là phải có giai điệu, hòa âm đẹp và trong vắt. Tôi đơn cử Âm nhạc và Văn học, chức năng của âm nhạc là mang đến cho người nghe cảm giác gì chứ không phải có nhiệm vụ phải trực tiếp truyền tải một nội dung cụ thể nào. - Điều gì tạo nên khó khăn khi quảng bá âm nhạc điện tử cho giới trẻ hiện nay, thưa anh?- Khó khăn đến từ 2 phía, thứ nhất là giới trẻ chưa quen với nhạc điện tử trong khi ai cũng biết nó rất phổ biến. Họ quen với ca khúc và mới chỉ dừng lại ở việc nghe bài hát, còn những thứ gì không có lời thì họ không quen. Thứ 2 là từ phía truyền thông, trước nay truyền thông thường lăng-xê ca sỹ nhưng phải hiểu đằng sau những ca sỹ đó là cả một hệ thống rất phức tạp từ người sản xuất chương trình, hòa âm, đạo diễn, stylist… Tất cả bắt nguồn từ cả 2 phía trên bề mặt rộng, còn về mặt phổ thông thì giới trẻ chỉ quen với bài hát, cái gì không phải bài hát thì khó có sức lan truyền trong công chúng.- Vậy dưới góc nhìn cá nhân, anh thấy giới trẻ thiếu đi điều gì?- “Sự thích” của giới trẻ không biết đâu mà lường được. Họ thích bởi người khác bảo thích, bởi phong trào bảo thích, bởi truyền thông tôn lên… Một phần lớn giới trẻ tôi thấy thiếu cái gu, họ không biết họ thích cái gì, đám đông đi đâu họ đi đấy, đám đông bảo thích cái gì thì họ thích cái đấy. Sở thích của họ phụ thuộc và sự dẫn dắt của người khác. Tôi thấy chuyện đấy khá phổ biến.- Để chiều khán giả thì anh sẽ làm thế nào?- Tôi có một nhóm nhạc tên và Vũ Nhật Tân Group (VNTG), thứ nhất là không có ca sỹ - như vậy là đã không chiều họ, thứ hai là mình không hát, thay vào đó mình dùng guitar chơi theo giai điệu bài hát đó - thêm một cái mình đã bớt chiều họ đi; cái thứ ba là chơi nhạc thư giãn, giải trí được nhưng vẫn có âm thanh, hiệu ứng khác vào. Nửa này, nửa kia thôi. (Cười)- Anh đã chơi nhạc ở khắp mọi nơi trên thế giới, ở đâu tạo cho anh sự hưng phấn và thăng hoa tộ đỉnh? - Khắp mọi nơi, mỗi nơi một cách với khán giả khác nhau. Nhưng có một cảm giác khi chơi nhạc ở bên ngoài đất nước thì tôi thấy thích hơn bởi không có áp lực, họ đón nhận tất cả những gì mới - lạ mình đưa ra. Mình chơi nhạc gì, chơi thế nào, họ luôn cởi mở và đón nhận. Còn ở trong nước, cái gì không có trong mẫu nằm sẵn trong đầu họ từ chối ngay, đóng lại. Khán giả là một chất kích thích cho người nghệ sỹ trên sân khấu. Khán giả càng mở, tiếp nhận, hưởng ứng - tác động tích cực. Tác động tiêu cực là khán giả đóng, bỏ về.- Những người theo đuổi dòng nhạc như anh trên thế giới họ sống thế nào?- Ở mức trung bình, một số hơi thấp so với mặt bằng chung xã hội của họ nhưng họ không mấy quan tâm đến mức sống như thế nào mà quan tâm đến việc được sống như thế nào. Hai phạm trù trên rất khác nhau, được sống là họ sống cuộc sống mà họ muốn, được làm cái họ muốn và họ được hưởng thụ cái họ thích hưởng thụ - tất cả những cái đó là quan trọng nhất bởi đó là chất lượng cuộc sống. Còn việc họ có nhiều tiền hay ít tiền chỉ là số lượng thôi. Bản thân tôi cũng vậy, tôi sống theo cách đó, quan trọng nhất là chất lượng cuộc sống! - Điều gì nuôi dưỡng đam mê, nguồn năng lượng trong anh?- Đó là cuộc sống, sở thích, sự độc lập trong tư duy, suy nghĩ, cách sống của mình. Tôi sống như thế nào và làm cái gì, hưởng thụ ra làm sao là cái bản thân mình nó bảo mình thế. Và càng không phải tôi nhìn bạn bè sống thế nào mình phải sống theo, sự độc lập, tự bên trong con người nó cho mình nguồn năng lượng ấy.- Cảm ơn, chúc anh thêm thành công!