Cuộc hội ngộ sau 50 năm lửa đạn và những bức ảnh vượt thời gian

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Nói đến nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, nhiều người nhớ ngay đến một phóng viên tài hoa có nhiều tác phẩm để đời. Gần trọn cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, ông đã có hàng ngàn bức ảnh trên suốt chặng đường dài của đất nước, qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về tác phẩm ảnh, những bức ảnh của NSNA Mai Nam theo năm tháng là kỷ niệm của mỗi con người, sau này trở thành kỷ vật của cuộc đời. Câu chuyện của tác giả và nhân vật trong ảnh dưới đây sau gần 50 năm gặp lại là những dấu ấn đầy cảm động của nụ cười và nước mắt.

Tự vệ Đỗ thị Khoa năm 1965 (Ảnh Mai Nam)

Tự vệ Đỗ thị Khoa năm 1965 (Ảnh Mai Nam)

Những kỷ niệm xưa

Một buổi tối mùa hè, tại nhà số 104 phố Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam cho tôi xem tập ảnh đen trắng khoảng hơn 10 chiếc, cỡ 13x18cm, chụp các cô gái dân quân vai khoác súng, đầu đội mũ cối ở nhiều góc độ, thời điểm khác nhau. Tôi dừng lại ở tấm hình một cô gái còn rất trẻ, tuổi chỉ 18 - 20, xinh xắn, quần xắn cao, bên cạnh là những bó mạ giữa cánh đồng mới cầy ải, trên bờ ruộng có 3 khẩu súng trường dựng chụm vào nhau. Nội dung bức ảnh có thể hiểu: “Vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu”. Bố cục bức ảnh chặt chẽ, ánh sáng ven của từng sợi tóc cùng nụ cười hồn nhiên càng làm tăng vẻ đẹp cô thôn nữ dân quân này.

Thấy tôi cầm bức ảnh ngắm nghía lâu, nghệ sĩ Mai Nam cười nói: “Cậu cũng tinh thật đấy, cô dân quân này tên là Đỗ Thị Khoa, xinh nhất trung đội và cũng là một trong những cô gái dũng cảm trong chiến đấu. Cô ấy làm nhiệm vụ tải đạn tiếp tế, cứu thương cho các đơn vị pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt năm 1965, góp phần vào thắng lợi bắn rơi nhiều máy bay địch ngay từ những ngày đầu Không quân Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam”.

Như để cố ôn lại những kỷ niệm gần nửa thế kỷ đã qua, ông trầm tư kể tôi nghe, ngày ấy mình là phóng viên Báo Tiền phong được cử vào khu 4 công tác. Lúc này, Mỹ dùng không quân ngày đêm leo thang đánh phá miền Bắc rất ác liệt, trong đó có cầu Hàm Rồng. Trong những giờ phút chiến đấu ác liệt, cũng tại địa danh này có thôn Yên Vực nằm ven sông Mã, ngay cạnh cầu Hàm Rồng, hình thành một trung đội dân quân. Họ phần lớn là các cô gái tuổi đời còn rất trẻ nhưng tinh thần vô cùng dũng cảm, dám xông pha lửa đạn tiếp tế lương thực, tải đạn, cứu thương cho các chiến sĩ phòng không. Khi yên tiếng súng, tiếng bom, các cô gái lại tiếp tục làm nhiệm vụ thu dọn, dựng lại nhà cửa, san lấp hố bom sau những trận oanh tạc của máy bay Mỹ để lại.

Tại thời điểm này tôi có mặt ở nhiều nơi đang xảy ra những trận đánh ác liệt và đã chụp được nhiều bức ảnh quý giá. Trong đó có những tấm hình sau này trở thành tác phẩm nghệ thuật quốc tế như bức ảnh với chủ đề “Đi trực chiến” được trao giải thưởng tại Bungary năm 1967 và Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Đi trực chiến - ảnh Mai Nam giải thưởng Nhà nước

Đi trực chiến - ảnh Mai Nam giải thưởng Nhà nước

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông vỗ vai tôi: “Chủ nhật này cậu rỗi không? Đi cùng tớ đến nhà cô gái Đỗ Thị Khoa trong ảnh. Vợ chồng cô ấy mời sang nhà chơi sau gần 50 năm mới tìm được nhau”. Tôi vui vẻ nhận lời ngay.

Thanh xuân hào hùng

Trận mưa đêm hôm trước làm thời tiết Hà Nội hạ nhiệt sau những ngày nắng nóng kéo dài. Đi cùng tôi với nghệ sĩ Mai Nam còn có nhà báo Cao Phong - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam. Để kịp giờ hẹn, xe chúng tôi phải luồn lách qua nhiều đường phố nội thành do đang giờ cao điểm sáng. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được địa chỉ sau vài lần hỏi thăm.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam và bà Đỗ Thị Khoa gặp nhau sau 50 năm (Ảnh Duy Ngọc)

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam và bà Đỗ Thị Khoa gặp nhau sau 50 năm (Ảnh Duy Ngọc)

Ngôi nhà 3 tầng xinh xắn nằm nép mình sau con hẻm cách cầu Đuống chừng hơn 1km. Chồng bà Khoa ra tận đầu ngõ đón chúng tôi. Hình ảnh cảm động mà chúng tôi chứng kiến được khi vừa bước chân vào nhà là một phụ nữ đứng tuổi ôm choàng lấy nghệ sĩ Mai Nam vừa nói trong nước mắt: “Gần 50 năm mới lại được gặp nhà báo”.

Trong lúc ông Hậu - chồng bà Khoa pha trà thì nghệ sĩ Mai Nam lôi từ trong cặp ra tập ảnh đen trắng chụp Trung đội dân quân thôn Yên Vực cách đây gần 50 năm. Bà Khoa cầm từng tấm ảnh đưa lên ngắm, thấy mình lúc đó còn là cô gái trẻ xinh đẹp đang tuổi trăng tròn. Có tấm chụp riêng bà vai khoác súng, nhiều bức ảnh chụp chung cùng đồng đội trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tôi và nhà báo Cao Phong chứng kiến cảnh tái ngộ giữa tác giả và nhân vật trong ảnh, thật cảm động khi được nghe những câu chuyện, những kỷ niệm gần nửa thế kỷ đã qua.

Bà Khoa trải những tấm ảnh lên bàn rồi chỉ vào từng người trong ảnh: “Nhà báo còn nhớ cô này không? Cô ấy đã hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng ngay những ngày đầu tiên năm 1965. Còn cô này, cô kia, trước đây công tác ở cơ quan… và nay đã nghỉ chế độ”. Rồi bà tiếp tục câu chuyện kể lại thời kỳ sát cánh cùng các chiến sĩ phòng không chiến đấu anh dũng với máy bay Mỹ mà đến nay người mất, người còn. Dừng lại trong khoảnh khắc như để ôn lại kỷ niệm xưa, bà nói giọng nghẹn ngào: “Thương nhất là cô Nguyễn Thị Hoàn, ngày ấy mới 16 tuổi, đẹp cả người lẫn nết. Vậy mà lúc vác đạn tiếp tế cho các ụ pháo cao xạ thị cô ấy… trúng bom”.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử của đất nước, chiến tranh cũng đã lùi xa, những nữ chiến sĩ dân quân thời đó nay đã lên bà, nhưng những ký ức về một thời cả nước chống Mỹ vẫn chưa hề phai. Giờ đây, khi mái đầu đã bạc, chỉ còn lại với họ là những bức ảnh kỷ vật - dấu ấn về một thời sôi nổi, trẻ trung, đầy sức sống và luôn sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.