Cuộc đối đầu Google - EU chưa ngã ngũ

ANTD.VN - Cuộc tranh cãi giữa Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Google với Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa ngã ngũ sau khi Google bác bỏ những cáo buộc cho rằng, tập đoàn này đang lạm dụng thế độc quyền các ứng dụng của mình trên nền tảng di động Android.

Cuộc đối đầu Google - EU chưa ngã ngũ ảnh 1

Trụ sở của Google tại California (Mỹ)

Vụ việc xảy ra từ năm 2010, bắt đầu từ một cuộc điều tra chống độc quyền trên hệ điều hành điện thoại Android - một yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Google để duy trì doanh thu từ quảng cáo trực tuyến. Các cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại rằng, các đối thủ cạnh tranh của Google, như TripAdvisor hay Yelp, có thể bị “bót nghẹt” bởi sự thống lĩnh của Google trên thị trường trực tuyến.

Trước hết, Google bị cáo buộc đã triển khai các ưu đãi tài chính đối với các nhà sản xuất điện thoại để cài đặt trước dịch vụ tìm kiếm Google Search trên các điện thoại mới sản xuất. Một tài liệu dài 150 trang của Ủy ban châu Âu (EC) đã mô tả rõ việc Google làm thế nào để các công ty “ưu tiên” cài đặt các dịch vụ khác của họ trên điện thoại chạy Android.

Google cũng bị nghi ngờ đã thay đổi thuật toán tìm kiếm để đưa các thương hiệu thực tế và website của mình ở vị trí hàng đầu, phía trên những trang không thuộc Google, kể cả khi những trang kia có nội dung tốt hơn. Bằng chứng mà những người cáo buộc Google đưa ra là chỉ trong vòng 3 tháng giữa năm 2015, Wikipedia - trang bách khoa toàn thư bằng nhiều loại ngôn ngữ trên Internet đã bị sụt giảm tới 300 triệu lượt truy cập do thuật toán của Google.

Hay như công ty Yelp, nhà quản lý ứng dụng tìm kiếm địa điểm trên thiết bị Android cũng lên tiếng nhiều lần về việc Google tự đặt hộp thông tin của mình lên đầu tiên của kết quả tìm kiếm nhằm bòn rút lượng người truy cập từ những trang có chất lượng tốt hơn. Đây chính là vấn đề trung tâm mà Ủy ban điều tra EU tập trung khi cáo buộc Google đang muốn độc quyền tại châu Âu.

Tuy nhiên, đại diện Google đã bác bỏ những cáo buộc của EU và cho rằng, EU không có bằng chứng và những giải thích rõ ràng cho quyết định điều tra chống độc quyền. Đại diện Google cũng nhấn mạnh rằng EU “không có cơ sở để phạt tiền”. Trong một bình luận trên blog cá nhân, Phó Chủ tịch Google Kent Walker cho rằng, hệ điều hành di động Android không gây tổn hại sự cạnh tranh mà đang góp phần làm tăng sự cạnh tranh.

Trên thực tế, việc chứng minh những nghi vấn nhằm vào Google cũng không phải là điều dễ dàng. Bằng chứng là EU đã phải 3 lần chấp nhận gia hạn thời gian nộp báo cáo tường trình của Google. Không những thế, đáp lại tài liệu cáo buộc dài 150 trang của Ủy ban châu Âu (EC), Google cũng tung ra bản tường trình dài 150 trang bác bỏ các khoản phí phạt của EC. Trong đó có nội dung yêu cầu EC giải trình vì sao không phạt các trang web bán lẻ trực tuyến khác cũng có sự cạnh tranh mạnh mẽ trên internet như Amazon.com và eBay.

Trong trường hợp bị kết luận vi phạm quy định chống độc quyền của EU, Google có thể phải chịu phạt ở mức đủ để đảm bảo tính răn đe (khoảng 10% doanh thu toàn cầu của tập đoàn này). Theo báo cáo tài chính, năm 2014, doanh thu toàn cầu của Google đạt 66 tỷ USD. Như vậy, mức phạt có thể tới hơn 6 tỷ USD và sẽ trở thành vụ kiện có mức phạt cao nhất từ trước đến nay.