- Quy định xử phạt vi phạm về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử
- Khoảng 4.000 trang, kênh của báo chí, mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp được khuyến nghị quảng cáo
“Cơn bão” thông tin
Lâu nay, trên phố đã vắng bóng tiếng rao báo dạo, những sạp báo giờ chỉ còn lác đác, nằm lẩn khuất góc phố nào đó. Chừng 15 năm trước, những sạp báo ở phố Hàng Trống, Bưu điện Bờ Hồ, Nguyễn Xí, Hàng Mã, số 28 Điện Biên Phủ… trở thành điểm đến của những người có thói quen đọc báo in mỗi sáng thì nay đã vắng bóng. Khi ấy, hình ảnh người bán, người mua những tờ báo in còn thơm mùi mực, nóng hổi thông tin thật ấn tượng. Văn hóa đọc báo in như một thói quen không thể thiếu trong đời sống người dân Thủ đô.
![]() |
Sự cạnh tranh thông tin giữa báo điện tử và mạng xã hội là “cuộc chiến” thông tin khốc liệt |
Thế nhưng, trong “cơn bão” thông tin thời công nghệ 4.0, đặc biệt là mạng xã hội phát triển như xu thế tất yếu khiến cho người dân thay đổi hình thức tiếp nhận thông tin và những người làm báo buộc phải thay đổi phương thức sản xuất thông tin. Ở góc độ người làm báo, đây là cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt giữa sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội. Cho dù, nhiều tờ báo đã có những biện pháp thay đổi vượt bậc, tận dụng nền tảng mạng xã hội để chạy theo công nghệ số, đáp ứng yêu cầu bạn đọc, cạnh tranh với mạng xã hội về việc lan tỏa thông tin theo xu hướng của sự phát triển. Thế nhưng, cần phải nói, cuộc cạnh tranh này rất khốc liệt không chỉ đối với cơ quan báo chí nói chung và báo chí chính thống nói riêng. Sự đa dạng và thế mạnh vốn có của mạng xã hội là chỉ đi sau sự kiện rất ngắn, thậm chí đi cùng với sự kiện đang diễn ra. Điều này đã khiến cho báo chí bị bỏ xa về tốc độ thời gian, trừ trường hợp một số sự kiện báo, đài có thể truyền hình hoặc phát trực tiếp.
“Hóa giải” nguồn tin
Mạng xã hội là kênh thông báo tin tức quan trọng đối với phóng viên cơ quan báo, đài. Tuy nhiên để hóa giải giữa thông tin nhanh nhất có thể cho nhiệm vụ được giao, ngoài việc tiếp nhận, xác minh, khai thác từ nguồn tin gốc, tin chính thống từ nơi xuất phát thông tin, phóng viên tác nghiệp đều vận dụng từ mạng xã hội để phục vụ nhiệm vụ của mình. Từ đây đã nảy sinh nhiều vấn đề về việc cạnh tranh thông tin nhanh, nhạy, chính xác. Việc này không hề đơn giản nếu như phóng viên không tỉnh táo trong khi áp lực thời gian thông tin cần nhanh nhất sẽ dễ bị hậu quả về khâu tác nghiệp, khai thác, đưa tin. Không có gì đáng lo ngại nếu như sự xác nhận thông tin được đầy đủ và thỏa đáng từ nơi xuất phát nguồn tin. Nhưng hiện nay quy chế phát ngôn của cơ quan cung cấp thông tin đã khiến cho nhiều phóng viên rơi vào “bẫy” tin thiếu tính chính xác, thậm chí bị hướng lái, xuyên tạc.
![]() |
Khi luồng thông tin trên mạng ngập tràn, có cái chính xác, có cái lập lờ, có cái lừa người đọc với mục đích cá nhân khác nhau, phóng viên thông qua mạng xã hội nắm bắt, xác minh hời hợt, không đúng bản chất sự việc, vấn đề, nhân vật sẽ không chỉ dẫn đến hậu quả thiệt hại về kinh tế, chính trị, văn hóa mà bản thân còn gánh chịu những quy định nghiêm của pháp luật. Việc nhầm lẫn trong thông tin đối với phóng viên tác nghiệp là tối kỵ, nguy hại hơn trong trường hợp sử dụng mạng xã hội mà cho đó là thông tin để khai thác đưa lên báo khi việc kiểm chứng nguồn tin chưa có thì đó là điều tuyệt đối không được phép.
Thời gian qua, đã có nhiều cơ quan báo chí phải đính chính và bị xử lý theo quy định bởi khai thác thông tin từ mạng xã hội, thậm chí có những phóng viên còn dùng nhầm ảnh của chủ doanh nghiệp với đối tượng đang bị xử lý, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chủ thể và uy tín phóng viên cũng như tờ báo. Trong cuộc đua thông tin đầy áp lực giữa mạng xã hội và báo chí thì cần có những sàng lọc, lựa chọn thật tỉnh táo, đặc biệt phóng viên theo dõi “mảng miếng”, lĩnh vực phải có nhãn quan chính trị, phân tích, dự đoán tình hình, sự kiện, kiến thức lĩnh vực theo dõi một cách công tâm, đúng đắn nhất. Điều cần nữa ở mỗi phóng viên ngoài có nghề thì sự tuân thủ quy định, quy trình và chỉ đạo của Ban Biên tập.
Cần xác định mạng xã hội là kênh để tham khảo, nguồn đề tài để phóng viên triển khai các bước theo quy trình hoàn thiện tác phẩm của mình. Nó cũng là nền tảng để phát triển lượng truy cập, lan tỏa, tương tác thông tin của cơ quan báo chí. Việc chạy thông tin “nóng”, mới là bản chất của báo chí, nhưng nó khác mạng xã hội không cần phải “chạy đua” với mạng xã hội trên mọi “đường đua”.
Cách báo chí nên làm là lựa chọn những gì cần thông tin, nhất là những thông tin đang “tạo sóng” dư luận. Báo chí phải mang đến một cái nhìn có chiều sâu, bóc tách, phân tích vấn đề, dẫn dắt cộng đồng theo định hướng đúng đắn, nhân văn và thượng tôn pháp luật, để bạn đọc thấy rằng, họ có thể đã nhìn thấy thông tin này trên các trang mạng xã hội, nhưng thông tin đúng và đáng tin vẫn là trên báo chí. Trong khi mạng xã hội là nơi phát tán thông tin chưa qua kiểm định, thì báo chí chính thống phải có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin tới công chúng. Vì thế, việc “chạy đua”, cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội luôn khốc liệt nhưng cần có kiến thức, bản lĩnh, khả năng phân tích tính xác thực thông tin để tránh trở thành công cụ bị lợi dụng để đăng tải các thông tin xấu, độc.
![]() |
Nhà báo Đức Tuấn |