“Cuộc chiến” giữa hát ru và hip hop

ANTĐ - Đối với nhiều người, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu thực sự nổ ra khi đứa cháu đích tôn - con vàng con bạc ra đời. Người già thích hát ru êm ả, người trẻ muốn hip hop vui tươi. “Cuộc chiến” thật khó dung hòa. 

Con con, cháu bà

Ngôi nhà nhỏ có 4 người lớn ở phố Đội Cấn vốn êm ấm, vui vẻ, nhưng từ khi cu Tít ra đời đã rối tinh như canh hẹ. “Cháu bà”, “Con con” là hai từ thường xuyên xuất hiện khiến không khí cả nhà lúc nóng, lúc lạnh. Chị Lê thuộc tuýp người hiện đại, thích ồn ào, vui vẻ nên chị  thường mở hip hop cho con nghe. Con thì tớn tở quơ chân quơ tay còn mẹ thì cũng nhún nhảy để giảm cân, tiện cả đôi đường. Nhưng mẹ chồng chị cứ giãy nảy, kêu nghe nhạc cứ rú rít, giật đùng đùng thế thì trẻ sẽ giật mình, đau dạ dày. Bà thích hát chèo, hát ru cho cháu nghe. Chị Lê lại thấy “cà tẩm”, cổ lỗ sĩ. Vì thế, suốt ngày hai mẹ con mặt nặng mày nhẹ. 

Khi con lớn, chị Lê đưa tiền cho mẹ chồng hàng ngày để bà đi chợ, mua thịt cá, rau củ về nấu cháo đủ chất cho con thì bà lại mua cháo ăn liền. Chị sắm quần áo đẹp để con mặc thì bà tiếc nên chỉ cho mặc cái cũ nát. Bà quan niệm, tiềm tiệm cho dễ nuôi. Có chiều đi làm về, chị sững người khi nhìn thấy một con bé dáng như… con mình mà mặc quần màu cháo lòng, áo đứt cúc tha thẩn ngoài sân tập thể nhặt nắp bia. Tức mình, chị buột miệng: “Bà ở bẩn thì mình bà chịu, đừng bắt cháu phải theo”. Mẹ chồng bu lu bù loa khóc lóc, chồng chị Lê giận quá tát vợ một cái. Chị Lê ôm con về nhà ngoại. Thế là mẹ chồng giận, bỏ về quê. 

Còn chị Huyền , trú tại quận Đống Đa muốn con mình tự lập, có nề nếp từ nhỏ nên cho con đi nhà trẻ sớm. Nhưng bà xót cháu còn nhỏ, phải đi học vất vả nên hôm nào Huyền vội đi làm, nhờ bà đưa con đi học là bà lại cho Tít nghỉ ở nhà hoặc đón Tít ngay từ trưa. Tít lười ăn nên Huyền thường cấm con không được ăn vặt, đến bữa ăn uống cho đủ chất. Bà lại len lén dúi cho cháu khi cái bánh chuối, lúc quả trứng vịt lộn, thế là đến bữa cu Tít bỏ ăn. Mỗi lần chị Huyền có ý kiến là bà lại dỗi, nói mát: “Chị thì biết thương đến ai. Cháu tôi, tôi thương”. Một lần, bà dẫn Tít ra chợ ăn tào phớ, tối về bị đi ngoài phải đưa đi viện cấp cứu. Chị Huyền nửa khóc, nửa van xin mẹ chồng: “Con của con, con dạy, mẹ thương cháu kiểu ấy thì chỉ làm khổ cháu, khổ con thôi”.  

Theo PGS.TS Trần Thị Trâm (giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền), khoảng cách thế hệ trong việc nuôi dạy trẻ không dễ thống nhất. Hơn nữa giữa mẹ chồng và nàng dâu thường có định kiến nên khó nói chuyện thẳng thắn. Mẹ chồng thường dựa vào kinh nghiệm nuôi dạy của bản thân, theo truyền thống để chăm cháu, còn con dâu lại vận dụng kiến thức khoa học. Mâu thuẫn càng đẻ ra mâu thuẫn và đứa trẻ dễ trở thành cuộc ganh đua ngầm giữa mẹ chồng- nàng dâu. 

Bố mẹ cũng “đá” nhau

Vốn tính cầu toàn, chị Hạnh (Mai Dịch, Cầu Giấy) muốn con mình được dạy dỗ cẩn thận để sau này không kém cạnh ai. Bé ốc mới 5 tuổi đã đi học đủ các lớp hát múa, tiếng Anh, vẽ. Thấy con mình cái gì cũng biết, chị Hạnh tự hào bao nhiêu thì anh Thành, chồng chị, lại xót con bấy nhiêu. Bao nhiêu lần anh tranh cãi với chị vì tội “Con gái thì bé như cái kẹo mút dở, ăn chẳng được, mà suốt ngày nâng cao với bồi dưỡng năng khiếu”. Anh dạy con trồng cây, đắp tượng thì chị lại cho rằng bẩn thỉu, mất vệ sinh. Sểnh sự kiểm soát của vợ là anh Thành lại rủ con trốn học đi chơi. Con bé cứ nhìn thấy bố là vui còn gặp mẹ lại nem nép. Vợ chồng người khác có con thì vui, còn vợ chồng anh chị nếu có mặt con lại cãi nhau.

Theo chị Nguyễn Thu Giang - Trung tâm tư vấn Ánh Sáng, xung đột về cách giáo dục con là điều khá phổ biến ở các gia đình. Vấn đề là hai vợ chồng phải tỉnh táo bàn bạc và thống nhất về cách dạy dỗ “tác phẩm chung” của mình. Những kiểu cha mẹ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ khiến trẻ hoang mang, không biết nên tin bố hay mẹ, dẫn đến hồ nghi, mất niềm tin hoặc chỉ nghe theo người nuông chiều, đáp ứng nhu cầu của mình. Nguy hiểm hơn nếu bề ngoài trẻ giả vờ phục tùng còn bên trong lại ngấm ngầm phản bác và tìm cách đối phó với sự giúp sức của mẹ (bố).