Cuộc “chạy đua” của máy tính giá rẻ

ANTĐ - Cuối năm 2011, dư luận bị “sốc” khi Ấn Độ công bố ra mắt chiếc máy tính xách tay rẻ nhất thế giới với giá thành chỉ 35 USD. Thế nhưng nước láng giềng bên cạnh - Bangladesh cũng đang tăng tốc trong cuộc chạy đua sản xuất máy tính giá rẻ và mục tiêu hàng đầu là trang bị cho giới học sinh sinh viên.

Sinh viên Ấn Độ đều muốn sở hữu máy tính bảng Aakash để phục vụ học tập

Trung tuần tháng 10-2011, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã dự lễ ra mắt Doel, một thương hiệu máy tính xách tay do chính nước này sản xuất. Giá bán của nó khiến nhiều người ngỡ ngàng, khoảng 10.000 takas (131 USD hay chỉ khoảng 2,7 triệu đồng Việt Nam).  Được đặt theo tên loài chim biểu tượng quốc gia Bangladesh, dự án Doel được khởi động đầu năm 2009, được coi là cuộc cách mạng cho nền công nghiệp công nghệ cao của nước này.

Theo đó, mục tiêu hướng tới một Bangladesh kỹ thuật số đến năm 2021 sẽ kết nối toàn bộ đất nước bằng các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông. Cùng với đó, mục tiêu dài hạn là để phân phối các máy tính xách tay chi phí thấp đến hàng chục triệu học sinh tại quốc gia Nam Á này. Nữ Thủ tướng Sheikh Hasina từng phát biểu, bà hướng tới một “tương lai gần” khi trẻ em sẽ không còn cần phải mang sách đến trường, chỉ duy nhất “là những netbook chứa đầy đủ thông tin và bài học trong đó”.

Trong 4 phiên bản netbook và máy tính xách tay Doel đầu tiên, loại rẻ nhất giá 130 USD và đắt nhất giá 343 USD. Trong số này, phiên bản rẻ nhất - máy tính xách tay Primary trị giá 10.000 takas chạy trên hệ điều hành Android, bộ xử lý 800MHz VIA 8650, RAM 512MB, bộ nhớ flash 16GB, Wi-Fi, một màn hình LCD 10,1 inch, webcam, đầu đọc thẻ SD, và hai cổng USB.

Hiện 90% thiết bị của loại máy tính xách tay này là nhập khẩu nhưng trong vòng 6 tháng, họ sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa, tức là có thể sản xuất tới 40% linh kiện cấu thành. Tự hào với máy tính xách tay giá rẻ “made in Bangladesh”, đích thân nữ Thủ tướng Sheikh Hasina đã tặng Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một chiếc Doel  nhân dịp ông Ban Ki-moon thăm chính thức nước này giữa tháng 11-2011.

Ngay trước khi Bangladesh công bố ra mắt thương hiệu máy tính giá rẻ riêng khoảng 1 tuần, Ấn Độ đã làm thế giới nể phục khi tung ra thị trường máy tính Aakash dựa trên hệ điều hành Android giá chỉ 1.750 rupee (35 USD). Thực tế, giá chính thức của nó là 49,98 USD bao gồm 14 USD chi phí bảo hành, lý do Chính phủ yêu cầu nhà sản xuất phải thay thế thiết bị chứ không sửa chữa nên buộc nhà sản xuất phải nâng giá bảo hành.

Máy tính bảng Aakash của Ấn Độ kích thước gọn nhẹ, màn hình cảm ứng, có hỗ trợ duyệt web và video hội nghị, pin 3 tiếng, hai cổng USB. Aakash (có nghĩa là “bầu trời” trong tiếng Hindi và Bengali) hướng tới tầng lớp học sinh, sinh viên của Ấn Độ với hy vọng thu hẹp khoảng cách về “số hóa” giữa người giàu và người nghèo.  Trong buổi ra mắt tại New Delhi, Bộ trưởng Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ Kapil Sibal đã trao 500 máy tính bảng Aakash cho học sinh. Chính phủ Ấn Độ hy vọng có thể phân phối 10 triệu máy tính loại này cho giới học sinh trong vài năm tới.

Thông tin mới nhất, đầu tháng 1-2012, Datawind, công ty của Anh ký hợp đồng với Chính phủ Ấn Độ sản xuất Aakash đã nhận được 1,4 triệu đơn đặt hàng chỉ sau 2 tuần nhận đặt hàng trực tuyến. Đây là phản ứng bất ngờ từ thị trường nhưng chứng tỏ hàng triệu người Ấn Độ trong khi đang chật vật với chi phí giáo dục đều cố có được chiếc máy tính của số đông này. Datawind chuẩn bị ra mắt phiên bản nâng cấp Ubislate 7 ra mắt vào tháng 3 tới đồng thời lập 3 nhà máy sản xuất mới trong năm nay để kịp phân phối hàng đặt.