'Covid-19 là vi khuẩn chứ không phải virus': Chỉ là tin giả!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  “Covid-19 là vi khuẩn chứ không phải virus”, thông tin này tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội trích dẫn nguồn Bộ Y tế Nga, nhưng đó chỉ là tin giả, không đúng sự thật mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ rõ.

Nghiên cứu được cho là “chấn động” từ Nga

“Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới khám nghiệm tử thi bệnh nhân Covid-19 (đi ngược lại hướng dẫn của WHO về việc không cho phép khám nghiệm tử thi đối với bệnh nhân bệnh truyền nhiễm cao như Covid-19”, bài viết được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội gần đây cho biết.

"Covid-19 là vi khuẩn chứ không phải virus" - thông tin nguy hiểm được lan truyền trên mạng xã hội

"Covid-19 là vi khuẩn chứ không phải virus" - thông tin nguy hiểm được lan truyền trên mạng xã hội

“Sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng, người ta xác định rằng Covid-19 không phải là virus, mà là một loại vi khuẩn phát triển do tiếp xúc với phóng xạ. Covid-19 được phát hiện có tác dụng gây đông máu ở người và gây tắc nghẽn động mạch, khiến bệnh nhân khó thở do phổi, tim và phổi không nhận được oxy, dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Để tìm ra nguyên nhân của việc thiếu hụt năng lượng hô hấp, các bác sĩ ở Nga đã mổ cánh tay, chân và các bộ phận khác của bệnh nhân Covid-19. Họ phát hiện ra rằng các động mạch bị phá hủy và chứa đầy các cục máu đông, khiến máu khó lưu thông và cũng làm giảm lưu lượng máu, khiến bệnh nhân tử vong”.

Bài viết cho biết, bác sĩ ở Nga đã mô tả căn bệnh “không gì khác hơn là một cục máu đông (huyết khối)” và cách điều trị chỉ cần “thuốc kháng sinh, chống viêm và thuốc chống huyết khối Aspirin”.

Theo cách đó, thế giới này có thể thoát khỏi đại dịch, máy thở và đơn vị chăm sóc đặc biệt là không cần thiết.

Thông tin này một lần nữa nhấn mạnh, Covid-19 không phải là một loại virus gì đáng sợ mà còn là một loại vi khuẩn đã bị nhiễm phóng xạ. Chỉ cần uống Asprin 100 mg và Apronik hoặc Paracetamol 650 mg và tự bảo vệ sức khỏe bản thân là đủ.

Vạch trần thông tin sai sự thật

Thực ra thông tin này đã có trên mạng xã hội Nga từ đầu năm 2021 và vẫn tiếp tục lan truyền tới nay. Nhưng cách đây 8 tháng, giữa tháng 4-2021, hãng tin Reuters của Anh dựa trên nhiều thông tin từ WHO và căn cứ khác để có bài viết nêu rõ những khía cạnh sai lầm của tin đồn này.

Về việc khám nghiệm tử thi, WHO không cấm khám nghiệm tử thi các nạn nhân Covid-19. Vào tháng 9-2020, tổ chức này đã công bố hướng dẫn về quy trình an toàn cho việc khám nghiệm tử thi những người chết vì bị nhiễm Covid-19.

Nga dựa vào kết quả phân tích sau khi khám nghiệm tử thi để quyết định liệu người đó có phải chết vì Covid-19 hay không. Thực ra, nhiều nước cũng khám nghiệm tử thi như vậy, như Mỹ, Đức, Italia, Anh…

Về thông tin cho rằng Covid-19 không phải là virus mà là do vi khuẩn gây ra, ngay trang web của Bộ Y tế Nga covid19.rosminzdrav.ru/ mô tả Covid-19 là một “virus”, nói rằng căn bệnh này do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã lật tẩy lầm tưởng nói trên. Website chính thức của WHO chỉ rõ, virus gây ra Covid-19 thuộc họ virus có tên là Coronaviridae.

Website chính thức của WHO chỉ rõ, Covid-19 là do virus chứ không phải vi khuẩn

Website chính thức của WHO chỉ rõ, Covid-19 là do virus chứ không phải vi khuẩn

Theo WHO, thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại virus. Một số người bị bệnh Covid-19 cũng có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn như một biến chứng. Trong trường hợp này, thuốc kháng sinh có thể được khuyến nghị bởi chuyên gia y tế.

Về thông tin bệnh do Covid-19 gây ra chỉ là cục máu đông, các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng Covid-19 gây ra nhiều biến chứng và thực tế chứng huyết khối chỉ là một trong nhiều tác động từ virus mới này.

Về thông tin Covid-19 do vi khuẩn tiếp xúc với tia 5G, nơi bức xạ gây viêm và thiếu oxy, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết không có nghiên cứu nào cho thấy mối liên quan giữa việc tiếp xúc công nghệ không dây với các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Về phương pháp điều trị, các bài đăng cho rằng Nga đã không phải sử dụng các đơn vị chăm sóc đặc biệt và máy thở để điều trị bệnh nhân Covid-19, điều này là sai.

Truyền thông vẫn đăng ảnh về các đơn vị chăm sóc đặc biệt với các máy thở được sử dụng ở Nga trong đại dịch Covid-19

Truyền thông vẫn đăng ảnh về các đơn vị chăm sóc đặc biệt với các máy thở được sử dụng ở Nga trong đại dịch Covid-19

Bài viết có đề xuất rằng có thể sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm và thuốc chống đông máu để điều trị bệnh, nhưng thực tế thuốc kháng sinh không có hiệu quả với bệnh truyền nhiễm virus và chỉ được khuyến cáo cho những bệnh nhân Covid-19 cũng bị nhiễm trùng do vi khuẩn.