“Cõng” quá nhiều thuế, phí

ANTĐ - Lần đầu tiên, báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì được sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã có nhận xét “tăng trưởng kiểu Việt Nam” là nguyên nhân của bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài. Đặc biệt, báo cáo nhận định, thuế và phí tại Việt Nam quá cao đang làm giảm khả năng tích lũy của doanh nghiệp. Vấn đề này cũng được đề cập trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8.

Báo cáo chỉ rõ, với thuế thu nhập cá nhân, khoản thu nhập chịu thuế của người dân Việt Nam thấp hơn nhưng lại chịu thuế cao hơn so với Trung Quốc và Thái Lan tới 10%. Tương tự, mức thuế thu nhập doanh nghiệp 25% cũng đang được áp dụng chung cho hầu hết các doanh nghiệp, trong khi các nước áp dụng nhiều mức từ 2-30%. Ngoài ra còn những khoản thuế cao như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Chưa hết, doanh nghiệp còn phải trả các chi phí không chính thức cao. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây cho thấy, có tới 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án nhà nước cho biết chuyện chi hoa hồng là phổ biến.

Theo một chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách và quản lý, mức thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của Việt Nam hiện nay “là rất cao so với các nước khác trong khu vực”. Cụ thể, trung bình trong 5 năm gần đây, tỷ lệ thu từ thuế và phí/GDP của Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia khoảng 15,5%, Philippines 13% và Indonesia 12%. Báo cáo đánh giá, ngoài việc chịu “thuế lạm phát” hàng năm ở mức hai con số, thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu tỷ lệ chịu thuế, phí/GDP cao gấp 1,4 - 3 lần so với các nước trong khu vực.

Trả lời báo chí, một thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, so với các nước, Việt Nam thuộc diện huy động thuế, phí trung bình thấp, ở mức 12-14% GDP. Song, báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế lại nhận định, tỷ trọng các khoản thu từ thuế và phí đang ngày càng gia tăng. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới người dân mà có thể là nguy cơ gây thâm hụt ngân sách những năm tới, khi các nguồn thu từ thuế giảm xuống. Phó chủ nhiệm một ủy ban của Quốc hội cho rằng, các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas đều tăng theo mức tăng của thế giới, nhưng thu nhập thực tế lại không theo thế giới. Vì thế, đời sống người dân rất khó khăn, cần phải có biện pháp can thiệp của Nhà nước vào giá tốt hơn, cũng như phải minh bạch các khoản thuế, phí mà người dân đang phải đóng góp. Trong khi lương chưa cải thiện được bao nhiêu mà các mặt hàng đều tăng giá, khiến người lao động càng lao đao.

Ông phó chủ nhiệm nhấn mạnh, mặc dù đã có Cục Quản lý giá song dường như sự can thiệp còn chậm trễ. Hơn nữa, công tác quản lý ngành chưa tốt, chẳng hạn tình trạng tạm nhập tái xuất xăng dầu, thất thoát, lãng phí cao ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, giá thành sản phẩm bán cho dân ở mức cao, lương, thưởng trong ngành cũng rất cao so với mặt bằng chung của người dân, công chức.

Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội cũng nhận định, nước ta có tỷ trọng thuế, phí cao so với các nước. Nếu liệt kê ra sẽ thấy rất cao chứ không thấp, cho nên phải công khai có bao nhiêu loại thuế, phí mà người dân phải “cõng” và chiếm bao nhiêu phần trăm trong thu nhập.