Bài 1: Thể hiện rõ chính sách nhân văn, nhân đạo

Công bằng cho những nỗ lực hoàn lương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù; là động lực khuyến khích họ tích cực học tập, lao động cải tạo để có thể sớm mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng.

Đợt đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua một lần nữa khẳng định chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, tạo cơ hội cho những nỗ lực hoàn lương.

Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc, từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 đến nay, chính sách đặc xá của Nhà nước luôn là động lực cho những người lầm lỗi tự nguyện cải tạo, tích cực học tập, làm lại cuộc đời. Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 của Hiến pháp năm 2013, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2007 và thay thế bằng Luật Đặc xá năm 2018.

Chính sách đặc xá của Nhà nước luôn là động lực cho những người lầm lỗi tự nguyện cải tạo, tích cực học tập, làm lại cuộc đời

Chính sách đặc xá của Nhà nước luôn là động lực cho những người lầm lỗi tự nguyện cải tạo, tích cực học tập, làm lại cuộc đời

Sau khi Luật Đặc xá năm 2007 có hiệu lực, từ năm 2009 đến 2016, Nhà nước ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá cho 87.111 người. Phần lớn người được đặc xá đã ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện, tỷ lệ tái phạm tội tương đối thấp (có 1.024 người được đặc xá vi phạm pháp luật, tái phạm tội, chiếm tỉ lệ 1,18%).

Năm 2021, lần đầu tiên thực hiện đặc xá theo Luật Đặc xá năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2-9. Mặc dù bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, công tác đặc xá năm 2021 đã được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Phần lớn người được đặc xá năm 2021 đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp (có 2 người tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 0,06%).

Ngay sau khi Nhà nước có chủ trương về đặc xá năm 2022, Bộ Công an đã khẩn trương, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan dự thảo các văn bản về đặc xá năm 2022, báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ duyệt, thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá do đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Chủ tịch và các thành viên là lãnh đạo các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp… bảo đảm công tác đặc xá được triển khai một cách công bằng, bình đẳng, đúng người, đúng quy định; đồng thời chuẩn bị điều kiện tốt nhất giúp cho người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.

Việc xét đặc xá được tiến hành trên cơ sở pháp luật, nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng, cũng như diễn ra theo quy trình, thủ tục do luật định để bảo đảm tất cả phạm nhân đủ điều kiện đều được xem xét và không để xảy ra tình trạng đặc xá đối với người không đủ điều kiện.

Cũng như những lần đặc xá trước đây, quá trình xét duyệt, quyết định đặc xá được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và bảo đảm dân chủ theo quy định của pháp luật. Quyết định đặc xá lần này quy định chặt chẽ hơn về điều kiện đặc xá và các trường hợp không đề nghị đặc xá. Do đó, số phạm nhân được đặc xá lần này cũng ít hơn so với các lần đặc xá trước nhằm bảo đảm việc đặc xá được thực hiện với đúng người, tạo động lực cho người phạm tội giáo dục cải tạo tốt hơn nữa để được hưởng chính sách khoan hồng; đồng thời hạn chế tỉ lệ tái phạm tội, vi phạm sau khi được tha tù.

Trên cơ sở hồ sơ, danh sách do các đơn vị của Bộ Công an lập, đề nghị cũng như kết quả công tra kiểm tra, giám sát thực hiện đặc xá tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự, Hội đồng tư vấn đặc xá trình Chủ tịch nước ký Quyết định số 978/QĐ-CTN đặc xá cho 2.434 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ, 1 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, trong đó có 16 người là người nước ngoài.

Ngoài việc tổ chức Lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, các cơ sở giam giữ phạm nhân tiến hành các thủ tục theo quy định, cấp tiền tàu xe, quần áo, giày dép và tha người được đặc xá. Ngoài ra, các trại giam còn hỗ trợ cho các trường hợp được đặc xá một khoản kinh phí từ Quỹ Hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, các cơ sở giam giữ phạm nhân đã tạo điều kiện, bố trí phương tiện đi lại cho người được đặc xá trở về với gia đình, cộng đồng. Theo báo cáo đã có 2.175 người có người thân đón; 220 người được bố trí phương tiện đưa ra bến xe, nơi thuận tiện giao thông; 1 người được đặc xá già yếu, không có người đón được đưa về gia đình; 2 người đang điều trị tại bệnh viện được giao cho thân nhân tại bệnh viện. Với 16 người nước ngoài, phía Việt Nam đã bàn giao 7 người cho nhân viên cơ quan ngoại giao và thân nhân theo đúng quy định tại trại giam; có 5 người có hình phạt trục xuất đã được các trại giam bàn giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để làm thủ tục trục xuất theo quy định; đối với 4 người còn lại đã được đưa vào cơ sở lưu trú của Bộ Công an để chờ cơ quan ngoại giao nước có công dân đến tiếp nhận.

Với sự chỉ đạo nhất quán, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, công tác đặc xá năm 2022 được tiến hành theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng đối tượng, điều kiện; không phân biệt đối xử, hạn chế với bất kì phạm nhân nào; không phân biệt quốc tịch, giới tính, thành phần; bảo đảm ANTT - ATXH, tuyệt đối an toàn, ổn định, không có vụ việc phức tạp do người được đặc xá gây ra.

(Còn tiếp)