Công an Hà Nội xử lý nghiêm các hành vi tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh, cư trú trái phép trong nước gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh trong nước. Do đó, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, thì rất cần sự chung tay của mỗi người dân trong việc tham gia phát hiện, tố giác, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
4 đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép bị lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ trên địa bàn quận Hà Đông

4 đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép bị lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ trên địa bàn quận Hà Đông

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, Cơ quan An ninh điều tra CATP đã khởi tố mới 14 vụ án/ 22 bị can về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”, trong đó có 7 vụ/ 8 bị can là người nước ngoài, 14 bị can là người Việt Nam. Kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị truy tố 3 vụ/ 6 bị can đều là người Việt Nam, các bị can này đều vì vụ lợi đã có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

“Núp” dưới danh nghĩa chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư

Quá trình đấu tranh khai thác, cơ quan chức năng đã làm rõ thủ đoạn hoạt động của các đối tượng như sau: Số đối tượng người nước ngoài nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép vào Việt Nam qua đường tiểu mạch. Sau khi nhập cảnh được vào Việt Nam, các đối tượng di chuyển bằng xe ô tô tư nhân, do các đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép bố trí từ trước, về Hà Nội.

Khi về đến Hà Nội, các đối tượng thường lựa chọn những khu chung cư mới được đưa vào sử dụng làm nơi tạm trú, do những khu chung cư này ít dân cư sinh sống, công tác quản lý chưa chặt chẽ, nhiều kẽ hở… và thường xuyên thay đổi chỗ ở (khoảng 2-3 ngày/ lần) để đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Các đối tượng dùng thủ đoạn tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực hợp pháp trước, hình thức thông qua các công ty của Việt Nam mời chuyên gia vào Việt Nam làm việc. Sau khi hết cách ly y tế, họ sẽ liên hệ thuê nhà ở rồi đón người nước ngoài khác nhập cảnh trái phép vào ở cùng.

Quá trình sinh sống tại Việt Nam, đối tượng nhập cảnh hợp pháp sẽ chịu trách nhiệm đi mua đồ dùng sinh hoạt cho nhóm đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vì số người này thường hạn chế ra ngoài, chỉ sinh sống trong phòng để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Khi có kiểm tra phòng ở thì đối tượng nhập cảnh hợp pháp sẽ yêu cầu các đối tượng nhập cảnh trái phép lẩn tránh ra ngoài để không bị phát hiện.

Một số đối tượng sử dụng danh nghĩa công ty, lợi dụng sự thông thoáng trong xét duyệt hồ sơ gia hạn thị thực, hồ sơ cấp giấy phép lao động cho chuyên gia là người nước ngoài, để làm thủ tục gia hạn thị thực (thị thực du lịch 1 tháng hoặc thị thực chuyên gia có giấy phép lao động 2 năm), bảo lãnh khống (không tổ chức tour du lịch, không làm việc cho doanh nghiệp) cho các đối tượng người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép.

Tối 2/5, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 46 đối tượng người Trung Quốc tại 9 phòng trong chung cư Florence 28 Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm

Tối 2/5, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 46 đối tượng người Trung Quốc tại 9 phòng trong chung cư Florence 28 Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm

Ngoài ra, thời gian gần đây, một số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo diện visa du lịch, sau đó, do có phát sinh nhu cầu ở lại làm việc nên được các đối tượng trung gian, môi giới tổ chức cho ở lại Việt Nam trái phép dưới danh nghĩa chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư, làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Người nước ngoài nhập cảnh trái phép thường thông qua mạng internet (phần mềm wechat) để liên hệ với trung gian, môi giới, công ty cho thuê nhà và sử dụng chứng minh nhân dân của người Việt Nam không quen biết để làm thủ tục thuê nhà, không liên hệ trực tiếp với chủ nhà để tránh bị phát hiện là người nước ngoài.

Không tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Trước những thủ đoạn hết sức tinh vi của các đối tượng, qua công tác điều tra, khám phá các vụ án, vụ việc có liên quan đến tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép nêu trên, Công an TP Hà Nội đề nghị tất cả các cá nhân, tổ chức có nhà cho thuê, kiểm tra kỹ thông tin đối tượng thuê nhà trước và sau khi bàn giao nhà để tránh bị các đối tượng lợi dụng đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào cư trú. Đồng thời, đề nghị nhân dân, khi phát hiện có người nước ngoài nhập cảnh trái phép hoặc cư trú trái phép trên địa bàn, cần thông báo ngay với Công an cấp cơ sở, nơi có người nước ngoài đang lưu trú, để có biện pháp xử lý kịp thời.

Quy định việc xử lý hành vi xuất, nhập cảnh trái phép

Hành vi xuất, nhập cảnh trái phép sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ngày 12/11/2013 do Chính phủ ban hành (Nghị định 167/2013/NĐ-CP) và Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi nhập cảnh trái phép và số lần vi phạm để áp dụng chế tài phù hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm a khoản 3, điểm b khoản 5, khoản 9 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

Điều 17. Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan

9. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và Khoản 6 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Người có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục nhập cảnh được hiểu là những người vào Việt Nam mà không đi qua các cửa khẩu, không làm các thủ tục cần thiết để được vào Việt Nam, có thể họ đi vào bằng đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới. Còn những người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là những người nhập cảnh vào Việt Nam mặc dù không đủ điều kiện để nhập cảnh, chưa được cấp phép để vào Việt Nam, ví dụ như không có thị thực, hoặc có nhưng đó là các giấy giờ giả mạo.

Theo quy định trên, người có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng .Ngoài ra, nếu người nước ngoài có hành vi nhập cảnh trái phép thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất ra khỏi Việt Nam.

Đối với trách nhiệm hình sự, Điều 347 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:“Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Tuy nhiên, hành vi xuất nhập cảnh trái phép mà gây lây truyền dịch bệnh còn bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.