- Dự kiến phương án thi 2017: Thầy trò sẽ vất vả hơn
- Nhìn thẳng vào bất cập để nâng cao chất lượng giáo dục
- Công bố toàn văn dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH 2017
Môn Lịch sử hấp dẫn hơn khi được tích hợp qua các hoạt động ngoại khóa
Chuyển biến tốt khi Lịch sử là môn thi bắt buộc
Nhận định về tình trạng dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, GS Vũ Dương Ninh, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, sách giáo khoa cũng như giờ giảng của không ít giáo viên Lịch sử lâu nay đã trở nên buồn chán, cứng nhắc. Quan niệm khá phổ biến là học sử chỉ cần học thuộc đã biến bao học sinh thành những “con vẹt”, mà những “con vẹt” này cũng không nhắc lại đúng những điều cần thiết. “Hàng chục năm qua, môn Sử đã chịu hậu quả tai hại của chủ trương thi và không thi, thi luân phiên giữa Sử và Địa hoặc chỉ được coi là môn thay thế cho Ngoại ngữ khiến vị trí môn học suy giảm dần” - GS Vũ Dương Ninh nhấn mạnh.
Với việc đưa Lịch sử thành một trong 8 môn thi chính thức trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 (dù vẫn là tự chọn trong hai bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên), nhiều giáo viên đánh giá rằng, có một “làn gió mát” thổi vào việc dạy và học môn Lịch sử. Một giáo viên Lịch sử trường THPT Phan Huy Chú cho biết: “Nhiều năm dạy ở bậc phổ thông, tôi vẫn thấy các em không phải là không yêu Sử nhưng vì phải ưu tiên dành nhiều thời gian cho các môn học khác để thi ĐH nên không chọn môn này để thi. Tuy nhiên, với ý thức về tầm quan trọng của môn học này, tổ chuyên môn của trường vẫn luôn có biện pháp để kéo các em đến với môn học. Các em được hướng dẫn tự khai thác, xử lý thông tin trong và ngoài sách giáo khoa để biết vận dụng kiến thức làm bài thi, dù đó là tự luận hay trắc nghiệm. Hiện nay, với vai trò của môn thi chính thức, động lực dạy và học của cả học sinh cũng như giáo viên đều tăng lên”.
Cũng theo giáo viên này, để thi trắc nghiệm môn Lịch sử, việc đầu tiên học sinh cần thay đổi là đọc kỹ sách giáo khoa. Vì phần lớn kiến thức trong bài thi đều lấy từ sách giáo khoa, các em cần chủ động hơn trong việc khai thác và xử lý thông tin trong sách giáo khoa. Bài thi trắc nghiệm, ngoài những câu hỏi về kiểm tra kiến thức, cần có một số câu hỏi yêu cầu suy luận, phân tích khi đáp án đưa ra khá giống nhau theo kiểu 50/50.
Đổi mới cả cách thi lẫn sách giáo khoa
Nhấn mạnh việc bắt buộc phải thay đổi trong thi môn Lịch sử, GS Vũ Dương Ninh cho rằng môn Lịch sử được kết hợp với Địa lý là phù hợp như cách tổ hợp trong bài thi Khoa học xã hội. “Đề thi dài dòng, thời lượng 180 phút là không phù hợp, cần thu gọn hơn. Bên cạnh đó, đề thi Địa thường dễ kiếm điểm nên nhiều học sinh chọn môn này. Cần làm sao để đề thi Sử cũng có sức hấp dẫn như vậy thì mới được nhiều học sinh lựa chọn học và thi môn này” - GS Vũ Dương Ninh phân tích.
Bên cạnh đó, việc học vẹt không đem lại hiệu quả, nhiều học sinh thi Sử nhưng lẫn lộn về nhân vật lịch sử, về địa điểm, về nội dung các sự kiện quan trọng là hiện tượng khá phổ biến, có khi sai lầm ở mức không thể chấp nhận được. Nguyên nhân, theo GS Vũ Dương Ninh, là do chúng ta đã quá tham khi muốn nhồi nhét nhiều kiến thức lịch sử cả thế giới lẫn Việt Nam vào đầu óc con trẻ, kết quả là kiến thức không đọng lại bao nhiêu sau khi học sinh tốt nghiệp THPT.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người đã tham gia nghiên cứu về chương trình và sách giáo khoa lịch sử đã nêu mục tiêu, định hướng, mô hình dự kiến của sách giáo khoa mới. Chương trình sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp sâu ở bậc tiểu học, mở rộng tích hợp ở THCS và THPT, giảm tối đa sự trùng lặp không cần thiết ở các cấp học. Ở cấp tiểu học, thay vì hình thức học thông sử hiện hành, chương trình sẽ chuyển sang biên soạn các câu chuyện nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu; chủ đề của những câu chuyện này bám sát sự kiện lịch sử chính thống. Ở cấp THCS, môn lịch sử sẽ học theo thông sử từ cổ đại đến hiện đại nhằm giúp học sinh nắm được hệ thống kiến thức cơ bản nhất của lịch sử thế giới và dân tộc. Học sinh THPT được yêu cầu hiểu sâu hơn về khoa học lịch sử nên sẽ học theo các chuyên đề, chủ đề dựa trên tiến trình lịch sử từ cổ đại đến hiện đại, theo các mạch chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa…
Điểm quan trọng cần đổi mới trong việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa Lịch sử mới, theo GS Vũ Dương Ninh là phải tuân thủ phương châm “thà ít mà tốt”, tức là làm sao đó để học sinh có thể học không nhiều nhưng vẫn hiểu được, nhớ được và ham thích lịch sử, như thế thì hiệu quả học tập sẽ tốt hơn so với hiện nay.
Ths. Nguyễn Thị Phương Thanh, Khoa Lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội: Đầu tư tốt cơ sở vật chất, môn Lịch sử sẽ hấp dẫn
Trong giáo dục phổ thông, tất cả các môn học đều có vị trí và chức năng riêng, đều góp phần phát triển toàn diện học sinh. Đặc biệt trong giáo dục hiện đại, mục tiêu đào tạo con người trước hết là phát triển năng lực, trong đó môn Lịch sử không chỉ trang bị cho học sinh vốn kiến thức về lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại mà còn bồi dưỡng nhân cách, phát triển tư duy, hình thành văn hóa ứng xử cho học sinh. Mục tiêu của môn Lịch sử không dừng lại ở kiến thức mà làm thế nào để những kiến thức đó thấm sâu vào nhận thức của học sinh, biến thành hiểu biết của chính các em một cách hứng thú. Do đó, phương pháp dạy học của mỗi giáo viên rất quan trọng, thầy giáo dạy hay học sinh mới yêu thích môn học. Khi các em say mê môn học sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức và đánh giá của xã hội, gia đình, nhà trường về vị trí, vai trò môn Lịch sử ở trường phổ thông. Để làm được điều này, các trường học cần chú trọng nâng cao cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho giáo viên dễ dàng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, thiết kế những bài giảng lịch sử sinh động, tái hiện bức tranh quá khứ lịch sử chân thực. Để môn Lịch sử thực sự hấp dẫn, các thầy cô cần được trang bị máy tính, máy chiếu, mạng Internet, tivi, dàn âm thanh, phòng thực hành bộ môn có sơ đồ, sa bàn, mô hình…
Ths. Nguyễn Trà My, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Học sinh sẽ không thờ ơ khi lịch sử gắn với đời sống văn hóa
Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông hiện nay còn quá ít nội dung về văn hóa, lối sống, những sinh hoạt qua các thời kỳ lịch sử. Đây là một phần lý do các bài học lịch sử bị đánh giá là khô khan, nặng nề, không tạo hứng thú học tập cho người học và cả người dạy. Việc tăng cường giảng dạy mảng sinh hoạt văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng vì không chỉ đem lại những kiến thức bổ ích cho người học mà còn làm tăng hứng thú học tập cho học sinh, khơi dậy lòng đam mê môn Lịch sử. Tiết học sẽ sinh động hơn nếu các em được tìm hiểu chính những gì rất đời thường, gắn bó với cuộc sống của các em thông qua những nét văn hóa trong quá khứ. Trước đây người dân ăn uống, giải trí như thế nào, các dân tộc sinh hoạt khác nhau ra sao, điều gì dẫn đến hàng loạt thay đổi trong đời sống người dân khi chuyển từ xe đạp sang xe máy, ô tô, khi nào có radio, tivi, khi nào chuyển từ áo dài sang váy, sơ mi, quần tây… Với liều lượng cân đối, nội dung văn hóa trong môn Lịch sử sẽ khiến học sinh gần gũi và cảm nhận được những nét đẹp văn hóa trong lịch sử dân tộc và thế giới.